VÌ SAO LÃI VAY KHÔNG ĐƯỢC TÍNH VÀO DÒNG TIỀN CHI CỦA DỰ ÁN ĐẦU TƯ?
Lãi vay là một khoản tiền mà doanh nghiệp phải chi ra hàng kỳ để trả cho nhà cho vay. Tuy nhiên, theo Quan điểm tổng đầu tư (Total investment point of view – TIPV) thì lãi vay không được tính vào dòng tiền chi của dự án. Việc lãi vay không được coi là dòng tiền chi của dự án theo TIPV được lý giải bởi những lý do sau:
Thứ nhất: Để quyết định đầu tư của doanh nghiệp độc lập với quyết định tài trợ của nhà cho vay thì ta không nên đưa lãi vay vào dòng tiền chi của dự án đầu tư. Điều này được lý giải như sau:
Dòng tiền không trừ lãi vay của dự án theo TIPV (ở đây ta ký hiệu là CF) là dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động đầu tư (không bao gồm hoạt động tài chính), có thể được viết tóm tắt bằng công thức:
CF = Doanh thu bằng tiền – Chi phí bằng tiền (không bao gồm lãi vay) – Thuế (1).
Nếu chi phí bằng tiền bao gồm cả lãi vay thì dòng tiền của dự án như sau:
CF = (1) – Lãi vay (2).
Nhìn vào công thức (2) ở trên ta thấy, nếu tính lãi vay vào dòng tiền chi của dự án thì CF phụ thuộc vào lãi vay. Như vậy, nếu doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao (vay nợ nhiều) thì lãi vay sẽ cao, dẫn đến làm cho CF giảm, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án (hiệu quả dự án sẽ tăng lên hoặc giảm xuống tùy thuộc vào mức vay nợ). Kết quả là sẽ làm ảnh hưởng đến quyết định tài trợ vốn của ngân hàng. Do đó, để kết quả thẩm định dự án và quyết định có tài trợ dự án hay không một cách độc lập và khách quan với quyết định đầu tư của doanh nghiệp thì khi thẩm định dự án, ngân hàng sẽ loại bỏ tác động của đòn bẩy tài chính đến kết quả thẩm định hiệu quả dư án bằng cách không tính lãi vay vào dòng tiền chi của dự án, tức là sẽ lấy dòng tiền theo công thức (1). Vì vậy, khi thẩm định dự án theo TIPV thì ta không đưa lãi vay vào dòng tiền chi của dự án.
Thứ hai: TIPV là quan điểm thẩm định hiệu quả dự án đứng trên góc độ tổng thể của dự án, không xem xét hiệu quả dự án được tài trợ từ các nguồn vốn riêng lẻ hay không phân biệt tài sản của dự án được tài trợ từ vốn vay hay vốn tự có, nghĩa là không thẩm định hiệu quả dự án một cách phiến diện, một chiều (đây là quan điểm của một nhóm Giáo sư Trường đại học Harvard – Hoa kỳ và được nhiều người thừa nhận). Theo đó, TIPV xem xét hiệu quả dự án một cách tổng thể, trên quan điểm tổng vốn đầu tư vào dự án mà không phân biệt nó được đầu tư bằng vốn vay hay vốn tự có. Do vậy, TIPV xem dự án như một tổng thể, trong đó nó được tài trợ từ nhiều chủ thể khác nhau (các nhà cho vay, các chủ đầu tư, bên cho thuê, nhà cung cấp, nhà bao tiêu, ...). Các chủ thể tham gia vào dự án bằng nhiều hình thức, có thể là góp vốn, có thể là cho vay vốn, cho thuê vốn, hỗ trợ về công nghệ, hỗ trợ về đầu vào, bảo đảm về đầu ra cho dự án, ... Qua đó, mỗi chủ thể cũng nhận về phần mình một phần lợi ích từ dự án tương ứng với mức độ tham gia vào dự án. Hay nói cách khác, các chủ thể này đều tham gia vào dự án, cùng tài trợ cho dự án, cùng gắn trách nhiệm vào dự án và cùng hưởng lợi ích từ dự án nên có thể nói các chủ thể này cùng nằm trong dự án. Vì TIPV xem dự án là một tổng thể được tài trợ từ nhiều chủ thể mà các chủ thể này lại cùng nằm trong dự án nên khi Chủ đầu tư trả lãi vay cho các Nhà cho vay thì lãi vay chỉ chuyển từ túi của chủ thể này sang túi của chủ thể khác chứ không chạy ra khỏi dự án. Do vậy, sự chuyển giao lãi vay từ chủ thể này sang chủ thể khác chỉ là sự phân chia (phân phối) lợi ích của dự án giữa các chủ thể tham gia vào dự án mà thôi, chứ lãi vay không chạy ra khỏi dự án (tất nhiên là theo quan điểm TIPV). Vì vậy mà lãi vay không được coi là dòng tiền chi của dự án. Điều này được minh họa qua sơ đồ sau:
Qua sơ đồ trên ta thấy, nếu dự án được tài trợ bởi bốn chủ thể là Chủ đầu tư, Ngân hàng A, Ngân hàng B, Ngân hàng C (trong thực tế số lượng chủ thể tham gia có thể ít hơn hoặc nhiều hơn) thì lãi vay chỉ chuyển từ túi của chủ đầu tư sang túi của các ngân hàng A, B, C chứ không chạy ra khỏi dự án. Trong đó, chủ đầu tư tham gia vào dự án dưới hình thức bỏ vốn tự có và làm chủ đầu tư dự án, các ngân hàng tham gia dự án dưới hình thức cho chủ đầu tư vay để cùng thực hiện dự án. Lợi ích của dự án được phân phối cho các chủ thể dưới hình thức lãi vay và lợi nhuận của dự án. Trong đó, các ngân hàng nhận lợi ích dưới dạng tiền lãi còn chủ đầu tư nhận lợi ích dưới dạng là lợi nhuận của dự án.