Sơ đồ vòng chu chuyển kinh tế vĩ mô tập hợp các thành phần kinh tế tham gia trên thị trường bao gồm hộ gia đình, chính phủ và các hãng kinh doanh. Chính vì thế, khi tính GDP theo phương pháp chi tiêu nghĩa là tập hợp tất cả những khoản chi tiêu phát sinh từ tất cả các tác nhân (đối tượng) trong nền kinh tế.
Theo phương pháp này GDP bao gồm toàn bộ giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng mà hộ gia đình, các hãng kinh doanh, chính phủ mua và xuất khẩu ròng được thực hiện trong một khoản thời gian xác định (thường là 1 năm). Bao gồm cụ thể như sau:
Bao gồm tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ của hộ gia đình mua trên thị trường để chi dùng phục vụ cho đời sống hàng ngày. Nó được chia ra làm ba phạm trù con: hàng hóa không bền, hàng hóa bền và dịch vụ. Hàng hóa không bền là những hàng hóa mà chỉ sử dụng trong thời gian ngắn hạn, ví dụ thức ăn, quần áo,…Hàng hóa bền là những hàng hóa mà mang tính chất dài hạn ví như: xe hơi, tivi, tủ lạnh,… Dịch vụ bao gồm các công việc thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của mọi người ví dụ: cắt tóc, dịch vụ khám chữa bệnh. Như vậy, GDP chỉ bao gồm những sản phẩm được bán trên thị trường, những sản phẩm mà gia đình tự sản xuất và tiêu thụ thì bị bỏ sót và không tập hợp được (phần này chiếm khoảng 30% - 40%).
Trong nền kinh tế tổng đầu tư tư nhân nội địa bao gồm:
+ Các giao dịch phát sinh từ việc mua máy móc, thiết bị, công cụ dụng cụ phục vụ cho các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
+ Các công trình được xây dựng
+ Sự thay đổi trong giá trị hàng tồn kho
Ngoại trừ hoạt động đầu tư, hai hoạt động còn lại cần được hiểu đúng ý nghĩa mà nó vốn có. Cụ thể như sau :
+ Sự tăng giảm trong đầu tư :Khi có sự phát sinh tăng giảm trong hàng tồn kho khiến cho giá trị đầu tư của nền kinh tế cũng có những thay đổi tích cực hoặc tiêu cực, và chúng ta cần phải nhận định đúng và chính xác. Ví dụ, Ở giữa 31/12/2006 và 31/12/2007 hàng tồn kho tăng 10 tỷ đô. Điều này có nghĩa là gì và được tính như thế nào ? Trước hết cần hiểu, nền kinh tế đã sản xuất ra nhiều hơn nó bán được trong năm 2007, tương ứng với số tiền là 10 tỷ đô. Trong quá trình tính toán để đảm bảo tính chính xác, chúng ta cộng thêm số tiền này vào. Ngược lại, nếu thời gian đó hàng tồn kho giảm 10 tỷ đô. Nó có nghĩa là nền kinh tế đã bán nhiều hơn lượng hàng hóa mà nó sản xuất ra được. Vì vậy, khi tính toán ta cần cho đầu tư năm 2007 ta cần trừ ra số tiền 10 tỷ đô này. Hay nói cách khác, việc thay đổi của hàng tồn kho, giúp chúng ta bám xác giá trị thực của GDP theo đúng ý nghĩa : « tính cho những gì được sản xuất trong nền kinh tế »
+ Những giao dịch không được xem là đầu tư :Khi nói đến đầu tư ở đây ta cần lưu ý một sự khác nhau đó là: đầu tư như cách hiểu trên là việc các hãng bỏ tiền để mua mới các tài sản, nhà xưởng,… phục vụ cho việc sản xuất của mình. Nó không bao gồm các khoản đầu tư khi ta bỏ tiền để mua cổ phần, cổ phiếu hay gửi tiết kiệm…đây chỉ là một dạng của việc dịch chuyển tư bản đang hoạt động không góp phần tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Nó cũng không tính cho những khoảng mua đi bán lại (nhà cửa, xe cộ, vàng bạc…), bởi những giao dịch này đã phát sinh trước đó và đã được tính trong kế toán quốc gia.
Ngoài ra, trong quá trình tính toán ta cần chú ý phân biệt giữa các khái niệm sau:
+ Tổng đầu tư (Ig) và đầu tư ròng (In): Tổng đầu tư tư nhân nội địa (Ig) như đã được đề cập ở trên bao gồm các công trình mới được xây dựng, các trang thiết bị phục vụ cho doanh nghiệp và sự thay đổi hàng tồn kho. Từ ‘‘tư nhân’’ và ‘‘nội địa’’ có nghĩa là đang đề cập đến những khoảng chi tiêu của các doanh nghiệp tư nhân, không phải xuất phát từ cơ quan chính phủ, và hoạt động đầu tư này được diễn ra trong nước, không phải ở nước ngoài. Ngoài ra, ‘‘tổng’’ có nghĩa là tính cho tất cả các khoảng đầu tư vốn thay thế và cả những khoảng vốn bổ sung.
Ngược lại, đầu tư ròng (In) chỉ tính cho vốn tăng thêm, lượng vốn được sử dụng hết trong một năm được xem như là khấu hao (De). Vì vậy ta có : In = Ig– De. Trong những năm điển hình, thường thì tổng đầu tư lớn hơn khấu hao. Do vậy, đầu tư ròng dương, vốn của quốc gia tăng lên do sự tăng lên của đầu tư ròng. Nếu tổng đầu tư bằng với đầu tư ròng, nghĩa là đầu tư ròng bằng 0, tức không có sự thay đổi ở vốn. Nếu tổng đầu tư bé hơn khấu hao, đầu tư ròng âm. Nghĩa là nền kinh tế không thực hiện đầu tư mà còn sử dụng nhiều hơn số vốn hiện có được sản xuất. Điều này đã xảy ra vào Đại suy thoái năm 1930.
Tóm lại, trong quá trình tính toán, ta tính cho tổng đầu tư Ig, không tính In.
Chính phủ là một tác nhân kinh tế và là ngưtrời tiêu dùng lớn nhất. Hàng năm, chính phủ các nước phải chi tiêu các khoản tiền lớn cho việc xây dựng trường học, bệnh viện, đường xá, quốc phòng, an ninh, các cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế xã hội và chi tiêu cho các sự nghiệp phúc lợi xã hội rất lớn. Các chi tiêu này đều được tính vào GDP của đất nước.Nhưng cần phải chú ý rằng, không phải tất cả đều được tính vào chi tiêu của chính phủ. Các khoản thanh toán, chuyển nhượng xã hội, kí hiệu là Tr, gồm: bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, trợ cấp cho người già cả, nghèo khổ,..Những khoản đã chi này lại không tương ứng với các hàng hóa và dịch vụ nào được xuất ra trong nền kinh tế. Vì thế mà nó không góp phần làm tăng GDP.
Chi tiêu của chính phủ được tạo ra từ nguồn thuế gồm chủ yếu hai loại thuế sau: thuế trực thu (Td) và thuế gián thu (Ti). Khi tính GDP theo phương pháp luồng sản phẩm chưa điều chỉnh gì về thuế. Vì trên thị trường những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đã được tính thuế vào giá cả dưới hình thức thuế gián thu (Ti) đánh vào hàng hóa và tiêu dùng.
Xuất khẩu được phân ra làm hai loại đó là xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (được kí hiệu là X) và xuất khẩu vốn, lao động (hay còn gọi là thu nhập từ yếu tố xuất khẩu). Khi tính toán số liệu liên quan đến GDP, chúng ta quan tâm đến X, đó là việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước được mang đi bán và tiêu dùng bởi những người nước ngoài.
Nhập khẩu cũng bao gồm nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ (được kí hiệu là IM) và nhập khẩu vốn, lao động (hay còn gọi là thu nhập từ yếu tố nhập khẩu). Tương tự như xuất khẩu, khi tính GDP chúng ta chỉ quan tâm đến nhập khẩu những hàng hóa và dịch vụ. Vậy xuất khẩu ròng Xn = X – IM.
Nếu X – IM > 0 => Xn>0 : thặng dư cán cân thương mại hay còn gọi là xuất siêu
Nếu X – IM = 0 => Xn = 0 : cán cân thương mại cân bằng
Nếu X – IM < 0 => Xn<0 : Thâm hụt hay còn gọi là nhập siêu
Tóm lại, ta có công thức tính GDP theo phương pháp chi tiêu như sau:
GDP = C + Ig + G+ Xn
Với phương pháp này, GDP cộng hết tất cả những khoản thu nhập có được từ tất cả các đối tượng trong nền kinh tế. Ta có những khoản thu nhập cụ thể dưới đây:
+ Thuế thu nhập doanh nghiệp: đây là khoảng tiền mà doanh nghiệp phải nộp cho chính phủ, được trích trên phần trăm mà chính phủ quy định khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
+Lợi nhuận phân chia: Sau khi trừ đi khoản thuế phải nộp cho chính phủ, số tiền còn lại doanh nghiệp sử dụng để: trả cho các thành viên, hoặc phân chia cho các cổ đông. Dòng tiền này chảy về tay các hộ gia đình, chủ sở hữu cuối cùng của các doanh nghiệp.
+Lợi nhuận giữ lại (lợi nhuận chưa phân phối): đây là khoản lợi nhuận bất kỳ không được phân chia cho các cổ đông mà giữ lại, để thực hiện các hoạt động tái đầu tư trong tương lai (mua sắm máy móc, thiết bị,..). Công ty chưa phân phối khoản lợi nhuận này nên được gọi là lợi nhuận giữ lại.
Vậy ta có công thức tính GDP như sau: GDP = W + i + r + Pr + De + Ti
Nguyễn Thị Minh Hà./.