Vai trò của thuế
Trong nền kinh tế của mỗi quốc gia thuế đóng một vai trò hết sức quan trọng.
- Tạo nguồn thu cho NSNN:
Ngân sách có thể huy động nguồn thu bằng nhiều cách khác nhau như đi vay, bán tài nguyên hay tài sản quốc doanh… nhưng trong đó thuế là nguồn mang tính chất bền vững và cơ bản cho NSNN. Tỷ trọng thu từ thuế thường chiếm phần lớn trong tổng thu nhập của Ngân sách nhà nước. Đây chính là vai trò truyền thống, căn bản của thuế.
Để đảm bảo nguồn thu này ngày càng gia tăng thì Chính phủ các nước phải có những biện pháp thích hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả Nhà nước và đối tượng nộp thuế.
- Điều tiết kinh tế vĩ mô:
Nếu như trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, Nhà nước trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội bằng hệ thống các mệnh lệnh, chỉ tiêu, các kế hoạch từ trung ương đến địa phương, thì ở cơ chế nền kinh tế thị trường Nhà nước chỉ quản lý ở tầm vĩ mô bằng các định hướng, biện pháp nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Khi sự cạn thiệp trực tiếp của Nhà nước vào nền kinh tế ngày càng hạn chế thì việc sử dụng công cụ thuế như một biện pháp điều chỉnh vĩ mô mang lại hiệu quả cao. Bằng cách ban hành hệ thống các văn bản pháp luật thuế, quy định các mức thuế suất khác nhau, Chính phủ có thể kiềm chế hay khuyến khích một hoạt động kinh tế nào đó. Ví dụ như đối với một số mặt hàng mà Chính phủ không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, bia rượu… thì có thể áp dụng nhiều sắc thuế đối với cùng một mặt hàng như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT và áp dụng các mức thuế suất cao. Còn đối với các hàng hoá cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng thì áp dụng các mức thuế suất thấp. Điều đó sẽ góp phần đảm bảo cân đối các ngành trong nền kinh tế.
Ngoài ra, Nhà nước còn có thể sử dụng thuế để tác động vào các hoạt động xuất, nhập khẩu nhằm hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế.
- Phân bổ lại nguồn lực trong xã hội:
Xét về mặt tiêu dùng, thuế đã phân bổ lại các nguồn lực từ cách sử dụng tư nhân sang cách sử dụng công cộng.
Xét về mặt sản xuất, thuế có thể làm thay đổi quyết định đầu tư của các hãng sản xuất kinh doanh bằng cách đầu tư vào những mặt hàng có nhiều ưu đãi thuế suất và rút dần khỏi các mặt hàng có mức thuế suất cao.
- Phân phối lại thu nhập giữa các cá nhân trong xã hội:
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, khoảng cách giàu nghèo giữa các cá nhân trong xã hội ngày càng có xu hướng gia tăng. Hậu quả của vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến đạo đức và công bằng xã hội mà còn tạo nên sự đối lập về quyền lợi giữa các tầng lớp dân cư trong cộng đồng. Để giải quyết tình trạng này Nhà nước cần có các biện pháp cụ thể mà một trong những giải pháp đó là thuế. Thông qua thuế thu nhập, Chính phủ sẽ khấu trừ thu nhập của các cá nhân theo những tỉ lệ khác nhau hoặc thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào các hàng hoá mà chỉ có lớp người giàu mới tiêu thụ. Số thuế thu được sẽ đầu tư vào các chương trình trợ giúp cho người nghèo, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, tạo công bằng xã hội.
- Là công cụ để thực hiện kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh:
Để thu được thuế một cách đầy đủ cho ngân sách Nhà nước, thì các cơ quan thuế phải thực hiện các biện pháp khác nhau để nắm vững được ngành nghề, mặt hàng kinh doanh cũng như doanh số của các doanh nghiệp. Mặt khác các quy định chung về hoá đơn chứng từ trong các sắc thuế cũng giúp cho việc ghi chép, hạch toán của các doanh nghiệp rõ ràng hơn, từ đó giúp cho việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan thuế thuận lợi hơn.