star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TÍCH CỰC ĐỐI VÓI CÁC MÔN LÝ THUYẾT


Hiện nay, việc ứng dụng các phương pháp giảng dạy tích cực đã giúp cho hoạt động giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng trở nên hiệu quả hơn. Tùy thuộc vào bài học, môn học, ngành học, bậc học… mà giảng viên (GV) có thể chọn lựa các phương pháp giảng dạy tích cực khác nhau để truyền tải kiến thức cả lý thuyết lẫn thực tiễn đến sinh viên (SV). Các phương pháp giảng dạy tích cực không chỉ tập trung vào phát huy tính tích cực của SV mà còn đóng vai trò quyết định trong việc đào tạo những SV có năng lực cao – những SV có thể giải quyết một cách sáng tạo các vấn đề đặt ra trong nền kinh tế hội nhập.

Để giảng dạy có hiệu quả phần lý thuyết, các các phương pháp nên được áp dụng:

- Thuyết giảng theo cách tích cực

Trước tiên, GV phác thảo ra một số nội dung cốt lõi trong các bài giảng, cung cấp thêm cho sinh viên các tài liệu tham khảo phù hợp với nội dung học tập. Sau đó, GV tổ chức các hoạt động đan xen trong quá trình thuyết giảng. Hoạt động có thể là đặt vấn đề để sinh viên suy nghĩ và phát biểu, chứng minh một vấn đề, thảo luận từng đôi, thảo luận nhóm,… Việc này thường mất nhiều thời gian nhưng sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với việc GV cứ thuyết giảng liên tục, SV sẽ hiểu được bài một cách chủ động, sẽ biết cách xử lý các tình huống cũng như giải quyết các vấn đề. Vì vậy, GV không nên cố gắng trình bày tất cả những gì có trong bài giảng, giáo trình mà giới thiệu những điều cốt lõi và hướng dẫn SV tìm phương pháp để SV có thể tự nghiên cứu những nội dung còn lại.

- Phương pháp vấn đáp

Để tiết học lý thuyết diễn ra sinh động, sinh viên dễ tiếp cận và nắm bắt kiến thức một cách tốt nhất và hiệu quả nhất thì giảng viên nên trình bày theo lối tương tác, nghĩa là liên tục trao đổi với SV trong quá trình thuyết giảng bằng phương pháp vấn đáp. Theo phương pháp này GV đặt ra câu hỏi để SV trả lời, SV có thể tranh luận với nhau hoặc tranh luận với cả GV, qua đó SV lĩnh hội được nội dung bài học. Một số phương pháp vấn đáp thường được vận dụng:

+ Vấn đáp tái hiện: GV đặt câu hỏi để SV nhớ lại kiến thức đã biết và trả lời dựa vào trí nhớ, không cần suy luận. 

+ Vấn đáp giải thích – minh họa: Nhằm mục đích làm sáng tỏ một vấn đề nào đó, GV lần lượt nêu ra những câu hỏi kèm theo những ví dụ minh hoạ để SV dễ hiểu, dễ nhớ. 

+ Vấn đáp tìm tòi: GV dùng một hệ thống câu hỏi được sắp xếp hợp lý để hướng SV từng bước phát hiện ra bản chất của sự vật, tính quy luật của hiện tượng đang tìm hiểu, kích thích sự ham muốn hiểu biết. GV tổ chức trao đổi ý kiến – kể cả tranh luận – giữa GV với SV, có khi giữa SV với SV, nhằm giải quyết một vấn đề nhất định. Trong vấn đáp tìm tòi, GV giống như người hướng dẫn sự tìm tòi, còn SV chủ động tích cực phát hiện kiến thức mới. Vì vậy, khi kết thúc câu hỏi phát vấn, SV có được niềm vui của sự khám phá trưởng thành thêm một bước về trình độ tư duy. 

Khi tương tác với SV, kinh nghiệm cho thấy là GV nên tìm cách đặt vấn đề để SV suy nghĩ trước khi GV trình bày nội dung bài giảng, không nên trình bày trước nội dung mà hãy dẫn dắt SV cùng tư duy để đi đến kết quả. Cách làm này sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc phát triển khả năng tư duy độc lập và gia tăng mức độ tiếp thu bài của SV.

NGUYỄN THỊ THU HẰNG