star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Khái quát về bảo đảm tín dụng


Khái quát về bảo đảm tín dụng

a, Khái niệm: Bảo đảm tiền vay là việc tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro, tạo cơ sở kinh tế và pháp lý để thu hồi được khoản nợ đã cho khách hàng vay”.

Về nguyên tắc đảm bảo tiền vay nhằm thiết lập nguồn thu nợ dự phòng cho NH một cách chắc chắn.

Tài sản đảm bảo tiền vay: là tài sản của khách hàng vay, tài sản hình thành từ vốn vay và tài sản của bên bảo lãnh dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với các TCTD

b, Sự cần thiết phải thực hiện đảm bảo tín dụng:

     Kinh doanh ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt vì đối tượng kinh doanh là tiền và thu nhập chủ yếu của ngân hàng được tạo ra từ hoạt động tín dụng. Trong khi đó bất kì một khoản cho vay nào cũng đều chứa đựng những rủi ro nhất định. Một khi có rủi ro xảy ra thì ngân hàng phải chịu tổn thất. Để hạn chế rủi ro thì ngay từ đầu tất cả các khoản cho vay phải có ít nhất hai nguồn trả nợ tách biệt. Do đó bảo đảm tín dụng là một tiêu chuẩn bổ sung những hạn chế của nhà quản trị ngân hàng cũng như phòng ngừa những diễn biến không thuận lợi. Việc ngân hàng nhận bảo đảm tín dụng nhằm hai mục đích:

     - Nếu người vay không trả được nợ thì ngân hàng có quyền bán tài sản cầm cố, thế chấp để thu hồi nợ.

     - Nhận bảo đảm tín dụng tạo cho ngân hàng lợi thế về tâm lý so với người vay bởi vì một tài sản khi đã là vật đảm bảo thì buộc người đi vay phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc hoàn trả nợ vay để khỏi phải gán những tài sản giá trị của mình.

    Tóm lại tài sản đảm bảo tiền vay có thể:

- Nâng cao trách nhiệm thực hiện cam kết trả nợ của bên vay.

- Phòng ngừa rủi ro khi phương án trả nợ dự kiến của bên vay không được thực hiện hoặc xảy ra các rủi ro không lường trước được.

- Phòng ngừa gian lận.

     Chính vì vậy đối với ngân hàng một khoản cho vay có bảo đảm bằng tài sản luôn chứa đựng ít rủi ro hơn một khoản cho vay có bảo đảm không bằng tài sản cho nên các ngân hàng thường ưa chuộng cho vay có bảo đảm bằng tài sản hơn. Để đưa ra quyết định về việc cho vay có bảo đảm không bằng tài sản hay cho vay có bảo đảm bằng tài sản các ngân hàng thương mại thường dựa vào các tiêu chuẩn như: tính hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính của người đi vay, mục đích sử dụng tiền vay, số tiền vay...nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất rủi ro xảy ra.

c, Ý nghĩa của bảo đảm tín dụng:

Bất kì một khoản tín dụng nào cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Trong khi đó ngân hàng kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn của người khác, nếu một khoản vốn đã cho vay nhưng vì một lý do nào đó không thu hồi được nợ sẽ gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình hoạt động thậm chí có thể gây mất khả năng thanh toán dẫn đến phá sản ngân hàng. Bên cạnh đó, sự tồn tại và phát triển của ngân hàng có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội vì tín dụng ngân hàng góp phần tài trợ, đầu tư cho các ngành. Vì vậy vấn đề an toàn trong công tác tín dụng được đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao chất lượng tín dụng tránh trường hợp khê đọng kéo dài dẫn đến mất vốn ngân hàng. Do đó bảo đảm tín dụng có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc ngăn ngừa rủi ro tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển lành mạnh.

     d,Vai trò của bảo đảm tín dụng:

 - Bảo đảm tín dụng vừa là nguồn thu nợ vừa tác động đến nghĩa vụ trả nợ, ngăn chặn tình trạng lạm dụng và sử dụng vốn thiếu tính toán của khách hàng. Thông thường tổ chức tín dụng sẽ cho vay với giá trị món vay luôn nhỏ hơn giá trị tài sản mà bên đi vay hay bên thứ ba đem cầm cố, thế chấp. Vì vậy người đi vay sẽ phải cân nhắc trước khi vay giúp cho việc đầu tư có hiệu quả cao hơn và trong quá trình sử dụng vốn vay tránh vi phạm những cam kết trong hợp đồng nếu không sẽ bị tổ chức tín dụng phát mãi tài sản. Ngược lại nếu cho vay với số tiền lớn hơn giá trị tài sản bảo đảm thì người đi vay sẽ thấy rằng không  trả nợ sẽ có lợi hơn và ngân hàng gặp rủi ro là điều khó tránh khỏi. Như vậy bảo đảm tín dụng không những là nguồn thu nợ nếu khách hàng không thanh toán được nợ đầy đủ và đúng hạn mà còn tác động đến nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, sử dụng vốn thiếu tính toán.

- Bảo đảm tín dụng có tác dụng phòng ngừa rủi ro tín dụng, giảm nhẹ tổn thất cho tổ chức tín dụng khi khách hàng không thanh toán được nợ./.