Xã hội ngày càng phát triển, khối lượng kiến thức ngày càng nhiều. Để đáp ứng được nhu cầu của thời đại, đòi hỏi sinh viên phải thu nhận kiến thức thường xuyên và liên tục. Mỗi sinh viên cần tìm cho mình một phương pháp thu nhận kiến thức phù hợp như học ở trường, học ở giáo viên, học ở bạn,…nhưng quan trọng hơn hết là phải tự học. Việc sử dụng phương pháp tự học giúp sinh viên làm chủ được tri thức, chủ động nghiên cứu nắm bắt được các kiến thức của môn học.
Khi đề cập đến “tự học” có nhiều tác giả nêu khái niệm với cách diễn giải khác nhau, điển hình như:
Từ điển Giáo dục học, “Tự học là quá trình tự mình lĩnh hội tri thức khoa học và rèn luyện kĩ năng thực hành không có sự hướng dẫn của giáo viên và sự quản lí trực tiếp của cơ sở GD-ĐT”.
Henri Holec: Tự học là khả năng tự lo cho việc học của chính mình.
Nguyễn Cảnh Toàn viết: “Học là thu nhận, tích lũy, gia tăng số lượng kiến thức… Học cốt lõi là tự học, là quá trình phát triển nội tại trong đó chủ thể tự thể hiện và biến đổi mình, tự làm phong phú giá trị của mình bằng cách thu nhận, xử lí và biến đổi thông tin bên ngoài thành tri thức bên trong con người mình”.
Từ những quan điểm trên, tự học có thể được hiểu như sau: Tự học là quá trình tự giác, tích cực của người học để chiếm lĩnh tri thức, kinh nghiệm xã hội - lịch sử trong thực tiễn, biến tri thức của loài người thành vốn tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng, kĩ xảo của bản thân.
Nội dung của việc tự học sinh viên nên vận dụng để đạt hiệu quả trên con đường học vấn:
- Lập kế hoạch mục tiêu: Trước hết, sinh viên phải biết xác lập mục tiêu và lên kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó. Việc lập kế hoạch sẽ giúp sinh viên kiên trì hơn với con đường học vấn, hiểu rõ kết quả mình muốn đạt được. Việc xác lập mục tiêu và lên kế hoạch nên ghi ra giấy, hoặc trên app take note dán trước bàn học. Mỗi mục tiêu đặt ra, sinh viên nên đặt ra thời gian cho việc thực hiện nó.
- Lựa chọn các nguồn tài liệu học tập hiệu quả: Việc tự tìm kiếm tài liệu là vô cùng quan trọng, có rất nhiều tài liệu với nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau sinh viên nên tham khảo kỹ trước, so sánh và đối chiếu từng tài liệu, lựa chọn tài liệu phù hợp.
- Tạo không gian học tập thoải mái và yên tĩnh: Một không gian thoáng đãng, yên tĩnh và sạch sẽ có thể quyết định đến tâm trạng học tập, làm việc trong một ngày. Sinh viên có thể đến các quán cafe tạo cho một góc học tập trong phòng của mình nhằm tạo động lực để học tập.
- Ghi chép lại khi học: Khi ghi chép bằng bút viết, não sẽ ghi nhớ kiến thức nhanh hơn và lâu hơn. Đa số sinh viên có thói quen dùng điện thoại chụp ảnh lại hoặc ghi chú trên điện thoại, máy tính nhưng cách này không hữu hiệu bằng việc ghi chép trên giấy. Trước khi ghi chép, cần đọc đi đọc lại nhiều lần rồi chắt lọc thông tin để ghi chép. Để dễ theo dõi nội dung ghi chép sinh viên nên ghi chép thành sơ đồ tư hay sơ đồ cây.
- Tối ưu phương pháp học tập: Mỗi sinh viên có phương pháp học khác nhau, sinh viên lựa chọn phương pháp học phù học với mình sẽ mang lại hiệu quả học tập tốt. Việc học tập nên kết hợp với nghỉ ngơi thư giãn sẽ giúp não bộ minh mẫn và hoạt bát hơn.
- Liên hệ thực tế qua lý thuyết: Sinh viên vừa học lý thuyết, vừa trải nghiệm thực tế, sau đó liên hệ, đối chiếu những trải nghiệm đó vào kiến thức lý thuyết để rút ra kinh nghiệm cho bản thân.
- Chủ động tìm người hỗ trợ nếu gặp khó khăn: Trong quá trình tự học, sinh viên có thể trao đổi những thắc mắc, hoặc kiến thức nâng cao với thầy cô, bạn bè hoặc bất kỳ ai có kiến thức chuyên môn. Việc chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp khó khăn sẽ giúp bạn tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, đồng thời giúp cho việc tự học trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.
- Rèn luyện và củng cố kiến thức thường xuyên: Sinh viên cần lên lịch để ôn tập lại kiến thức sau khi đã học xong, nếu không ôn lại thì nội dung học sẽ mau quên và sinh viên phải học lại từ đầu. Do vậy, thường xuyên trau dồi, củng cố kiến thức là một bước không thể thiếu của phương pháp tự học.
Les Brow từng chia sẻ:“Hãy có trách nhiệm với cuộc đời mình. Hãy biết rằng chính bạn là người sẽ đưa bạn tới nơi bạn muốn đến chứ không phải ai khác”. Tự học có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình học tập của sinh viên, là quá trình đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực to lớn của bản thân mỗi sinh viên. Việc sinh viên sau này ra trường có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào tinh thần tự giác, nỗ lực học tập của bản thân của mỗi sinh viên.
Nguyễn Thị Thu Hằng