1.Khái niệm:
*Sáp nhập: Sáp nhập là giao dịch hợp nhất các doanh nghiệp, theo đó, hai hay một số công ty cùng loại (gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (gọi là công ty nhận sáp nhập ) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập .
sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.
Như vậy, sáp nhập diễn ra khi một doanh nghiệp nhập vào một doanh nghiệp khác và chấm dứt sự tồn tại của mình. Ví dụ, khi doanh nghiệp A nhập vào doanh nghiệp B, doanh nghiệp A sẽ không tồn tại nữa, cổ phiếu của doanh nghiệp A sẽ được chuyển đổi sang cổ phiếu của doanh nghiệp B. Cách thức quản lý điều hành doanh nghiệp sau sáp nhập khác với trường hợp mua lại doanh nghiệp vì hai doanh nghiệp sáp nhập sẽ bắt tay nhau “đồng vai phải lứa” dù rằng trên thực tế về mặt pháp lý có một bên bị sở hữu và một bên được sở hữu.
Nhìn rộng ra, hợp nhất doanh nghiệp cũng là một dạng đặc biệt của của sáp nhập. Ví dụ doanh nghiệp A và doanh nghiệp B hợp nhất lại tạo nên doanh nghiệp C, nghĩa là sẽ không còn tên doanh nghiệp A hay doanh nghiệp B nữa sau khi hợp nhất diễn ra, mà chỉ còn tồn tại doanh nghiệp C và tất nhiên cổ phiếu của doanh nghiệp A và doanh nghiệp B sẽ chuyển sang cổ phiếu của doanh nghiệp C.
Hiện nay trên thế giới, người ta thường nhắc đến thuật ngữ M&A (sáp nhập và mua bán doanh nghiệp). Mặc dù chúng thường được đề cập cùng nhau nhưng vẫn có sự khác biệt về bản chất.
*Mua lại:Mua lại là việc một công ty chiếm lĩnh được hoàn toàn một công ty khác và đóng vai trò người chủ sở hữu mới. Trên góc độ pháp lý, công ty bị mua lại sẽ ngừng hoạt động, công ty tiến hành mua lại nuốt trọn hoạt động kinh doanh của công ty kia, tuy nhiên cổ phiếu của công ty bị mua lại vẫn được tiếp tục giao dịch bình thường.
Mua bán doanh nghiệp là một quá trình trong đó cổ phiếu hoặc tài sản của một bên sẽ được chuyển giao và thuộc sở hữu của bên mua. Giao dịch mua bán doanh nghiệp có thể tồn tại ở dạng mua tài sản hoặc mua cổ phiếu. Việc mua bán này thường được thực hiện thông qua đấu thầu, đấu thầu rộng rãi để mua trực tiếp cổ phiếu từ các cổ đông của bên bán.
Vậy, điểm khác biệt giữa sáp nhập và mua bán doanh nghiệp là gì? Mua bán doanh nghiệp là một thuật ngữ chung để mô tả cách thức chuyển quyền sở hữu. Sáp nhập lại là một thuật ngữ có nghĩa hẹp hơn, một thuật ngữ kỹ thuật để mô tả một quy trình pháp lý đặc biệt có thể hoặc không tiếp diễn thông qua mua bán doanh nghiệp. Ví dụ cổ đông của doanh nghiệp A và doanh nghiệp B đồng ý sáp nhập thì việc sáp nhập sẽ bị ảnh hưởng bởi thoả thuận là cổ phiếu doanh nghiệp A sẽ chuyển đổi sang cổ phiếu doanh nghiệp B hay là chuyển thành tiền.
Trên thực tế, thường thấy phổ biến các giao dịch mua bán doanh nghiệp trong đó có thể không dẫn đến kết quả sáp nhập. Ví dụ doanh nghiệp B mua một lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp A, dù đủ lớn để biến thành một thương vụ sáp nhập nhưng nếu bên B quyết định là bên A sẽ vẫn tồn tại riêng rẽ như một công ty con của B thì đó không phải là sáp nhập; hoặc nếu bên B mua toàn bộ hoặc hầu hết tài sản của bên A và thanh toán bằng tiền hoặc cổ phiếu của bên B và bên A lúc này chỉ còn là cái vỏ bọc mà không còn hoạt động nữa và cổ đông của bên A không thay đổi, tài sản còn lại duy nhất của bên A là tiền hoặc cổ phiếu do bên B thanh toán.
Các dạng thức mua bán doanh nghiệp có một số đặc điểm như sau:
- Sáp nhập và Hợp nhất: Đơn giản về pháp lý; Không tốn kém, không cần các chuyển nhượng về tên hiệu của doanh nghiệp; Tất cả các khoản nợ phải trả được thừa nhận bao gồm cả những khoản tranh chấp tiềm năng; Yêu cầu 2/3 cổ đông của hai bên nhất trí thông qua; Các cổ đông có quyền khiếu kiện để nhận được giá trị thực của họ (quyền đánh giá lại).
- Mua cổ phần (thông qua đấu thầu):Không cần phải tổ chức đại hội cổ đông hoặc không cần yêu cầu về biểu quyết; Bên mua có thể gặp trực tiếp các cổ đông để thương thuyết mà không cần qua ban lãnh đạo; Ban lãnh đạo của bên bán có thể “phản kháng” và làm quá trình mua cổ phần tốn kém và mất công hơn; Thường chỉ có một số thiểu số cổ đông nắm giữ cổ phần. (3)Mua các tài sản: Chỉ cần 50% cổ đông thông qua; Chuyển nhượng các tài sản có thể tốn các chi phí liên quan đến pháp lý như sang tên chủ sở hữu,…
Vậy khi sáp nhập hai doanh nghiệp có phải có cùng quy mô, và nếu không cùng quy mô thì liệu bên nhận sáp nhập phải là bên có quy mô lớn hơn ? Câu trả lời là không nhất thiết phải cùng quy mô và không nhất thiết bên nhận sáp nhập bắt buộc phải có quy mô lớn hơn. Bởi lẽ trong thực tế, vì một lý do nhất định (VD: thuế,…), bên có quy mô lớn hơn có thể sáp nhập vào bên có quy mô nhỏ hơn. Quy mô hoạt động, giá trị ròng của doanh nghiệp, số lượng lao động, ai sẽ được cử làm chủ tịch Hội đồng quản trị, ngay thậm chí cả tên gọi của doanh nghiệp sau sáp nhập đôi lúc cũng không quá nhiều ý nghĩa đối với bên nhận sáp nhập vì nói cho cùng sáp nhập được xây dựng trên cơ sở đồng thuận.
Trong thực tế, có một dạng sáp nhập rút gọn, nghĩa là việc chuyển nhượng hầu hết hoặc toàn bộ cổ phiếu của một bên sang bên mua có thể được thực hiện mà không cần biểu quyết cổ đông. Trừ dạng sáp nhập rút gọn kể trên, tất cả các dạng sáp nhập đều yêu cầu phải có biểu quyết nhất trí của cổ đông hai bên; tuy nhiên việc bán hầu hết hoặc toàn bộ tài sản của bên bán thì chỉ yêu cầu biểu quyết nhất trí của bên bán đó mà không nhất thiết cần biểu quyết của cổ đông bên mua.
Sáp nhập doanh nghiệp cũng cần được phân biệt với liên doanh. Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hay nhiều các doanh nghiệp cùng góp một phần tài sản, quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới. Nghĩa là nếu một bên A và một bên B liên doanh với nhau hình thành một doanh nghiệp C thì sau khi liên doanh có sự tồn tại của cả ba doanh nghiệp A, B và C.
Từ những phân tích trên đây có thể rút ra được khái niệm của sáp nhập doanh nghiệp như sau:
2. Vai trò:
Hoạt động M&A được xem như một công cụ chiến lược để phát triển hay tái cơ cấu lại doanh nghiệp, do sau khi sáp nhập, lợi ích của cả bên mua và bán thu được là rất lớn. Đó là sự tăng cường hiệu quả kinh tế nhờ quy mô khi tăng thị phần, giảm chi phí cố định, chi phí nhân công, hậu cần, phân phối, cơ cấu tổ chức hoạt động và vốn điều lệ…Sau đây là một số vai trò cụ thể của hoạt động M&A:
-Đối với các doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, bị suy thoái hoặc lợi thế cạnh tranh bị giảm sút, thiếu sự thích nghi đối với môi trường kinh doanh mới thì M&A là lời giải giúp họ tránh thua lỗ triền miên.
-Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, M&A giúp họ mở rộng quy mô tăng cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường và giành thị phần của đối thủ cạnh tranh. Bởi vì, M&A không chỉ giúp các doanh nghiệp thu hút thêm vốn mà còn thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược với người mua, tăng thêm giá trị lâu dài và bền vững cho doanh nghiệp bằng năng lực quản lý, nhân sự giỏi, các bí quyết công nghệ kết hợp với hệ thống phân phối sẵn có của người mua…
-Đối với các nhà đầu tư, M&A là một cách thức hiệu quả để họ bước vào thị trường một cách nhanh chóng mà không cần mất thời gian để tìm kiếm một dự án hay làm các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó M&A cũng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí “bôi trơn”khi thành lập một doanh nghiệp mới, tạo ra một thị trường mới và các chi phí phát sinh khác.
-Đối với các công ty mới tạo, M&A là cách để các doanh nghiệp bổ sung khiếm khuyết và cộng hưởng sức mạnh với nhau, tạo thành sức mạnh gấp nhiều lần. Doanh nghiệp có thể giảm chi phí bằng cách bớt nhân viên thừa, yếu kém, nâng cao năng suất lao động…
3. Nguyên tắc M&A
*Về mặt giá trị : phải tạo ra được những giá trị mới cho các cổ đông và phải lớn hơn những giá trị hiện tại của cả hai công ty khi còn đứng riêng lẻ.
*Về năng lực cạnh tranh: phải tạo ra một công ty mới với năng lực cạnh tranh cao hơn đạt hiệu quả tốt về chi phí, gia tăng thị phần, tăng năng lực quản lý…
*Đồng thuận: các cổ đông phải đồng ý về việc này với đa số phiếu thuận. Vụ M&A của Microsoft và Yahoo! đã không thành công do nguyên nhân không có đủ sự đồng thuận cần thiết.
*Nguyên tắc tối quan trọng của hoạt động M&A là quy hoạch đầu tư, một bảng cáo bạch chỉ rõ tại sao bạn lại mua lại tài sản hoặc công việc kinh doanh nào đó chắc chắn sẽ khiến cho vụ giao dịch của bạn có giá trị hơn nhiều./
Nguyễn Thị Minh Hà
Khoa Kinh tế - Tài Chính