- Điều tiết kinh tế
Để định hướng và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, Nhà nước sử dụng công cụ thu và chi NSNN để hướng dẫn, kích thích và tạo ra sức ép đối với các chủ thể trong hoạt động kinh tế .
Thông qua các khoản thu, bằng công cụ thuế một mặt Nhà nước tạo nguồn thu chủ yếu của NSNN, mặt khác thông qua mức thuế suất của các loại thuế khác nhau, sẽ có tác dụng kích thích sản xuất phát triển, thu hút được các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào các ngành nghề cần thiết và điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo các định hướng phát triển. Rõ ràng, một chính sách thuế hợp lý sẽ thu hút doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước đang cần, đang thiếu. Ngược lại, với chính sách thuế khắt khe sẽ giảm bớt luồng di chuyển vốn vào nơi cần hạn chế sản xuất kinh doanh.
Thông qua chi NSNN, Nhà nước cung cấp các nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển những ngành, lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh; ưu tiên các ngành mũi nhọn có khả năng cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu... Thông qua các khoản chi, Nhà nước tạo điều kiện và hướng nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào những lĩnh vực, những vùng cần thiết để hình thành cơ cấu kinh tế mới, chống độc quyền, tạo điều kiện, môi trường cho sản xuất kinh doanh. Các khoản chi này không thu hồi trực tiếp nhưng hiệu quả được tính bằng sự tăng trưởng GDP, sự phân bổ hợp lý của nền kinh tế bằng các chi tiêu khác tạo ra khả năng tốc độ lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ...
- Góp phần ổn định thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát
Trong nền kinh tế thị trường, quy luật cung cầu chi phối thị trường rất mạnh mẽ. Sự biến động của giá cả đều có nguyên nhân từ sự mất cân đối cung cầu. Vì vậy, qua hoạt động của NSNN, Chính phủ tác động tích cực đến thị trường nhằm đảm bảo lợi ích cho các chủ thể trong nền kinh tế cũng như giữ vững cơ cấu kinh tế đã hoạch định.
Hoạt động điều tiết của Chính phủ thực hiện thông qua việc sử dụng các quỹ dự trữ Nhà nước (bằng ngoại tệ, vàng, lương thực, hàng hóa... ) được hình thành từ nguồn thu NSNN. Do đó, khi giá hàng hóa lên cao, để chống đầu cơ, Chính phủ đưa dự trữ hàng hóa đó ra thị trường để tăng cung. Trên cơ sở đó, bình ổn giá cả và hạn chế khả năng tăng giá hàng loạt, gây nguy cơ lạm phát chung cho nền kinh tế. Ngược lại, khi giá cả một hàng hóa nào đó bị giảm, có khả năng gây thiệt hại cho người sản xuất và tạo xu hướng di chuyển vốn sang lĩnh vực khác, Chính phủ sẽ bỏ tiền để mua các hàng hóa đó theo một giá nhất định, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ còn sử dụng các công cụ thuế tác động vào tổng cung hoặc tổng cầu để góp phần ổn định giá cả trên thị trường.
Hoạt động thu, chi của NSNN với lạm phát của nền kinh tế luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Do vậy, các giải pháp nhằm kìm chế lạm phát đều liên quan đến hoạt động của NSNN. Chính phủ sử dụng các công cụ nợ để bù đắp thiếu hụt NSNN, công cụ thuế để bình ổn giá cả, thắt chặt chi tiêu NSNN, chống tham nhũng, lãng phí chi tiêu công... nhằm khống chế và đẩy lùi lạm phát một cách có hiệu quả.
- Giải quyết các vấn đề xã hội
Chính sách thu, chi NSNN được sử dụng như một công cụ điều chỉnh vĩ mô trong lĩnh vực điều tiết thu nhập của các thành viên trong xã hội, nhằm thực hiện công bằng xã hội về thu nhập, đảm bảo ổn định cuộc sống của các tầng lớp dân cư.
Nền kinh tế thị trường với những khuyết tật của nó sẽ dẫn đến xã hội bị phân hóa về thu nhập, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn ra. Để giảm bớt sự chênh lệch và điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, cần phải có “bàn tay hữu hình” của Nhà nước tác động, bằng con đường NSNN.
Thông qua hoạt động thu NSNN dưới hình thức thuế, để điều tiết thu nhập, điều tiết tiêu dùng, đảm bảo thu nhập chính đáng của người lao động.
Thông qua hoạt động chi NSNN để thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước như: chính sách dân số - việc làm, chính sách điều tiết thu nhập, chính sách bảo trợ xã hội, chính sách trợ giá cho các mặt hàng thiết yếu... Có thể nói, NSNN như một trung tâm phân phối lại, nhằm giải quyết các vấn đề an ninh quốc phòng, y tế, văn hóa... không vì mục tiêu lợi nhuận. Ở hầu hết các nước, các chính sách này được bố trí chiều hướng tăng lên theo một tỷ lệ nhất định so với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.