star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Vai trò của kiểm toán


Vai trò của kiểm toán

         Xã hội càng phát triển, nền kinh tế thị trường càng phức tạp, thông tin kinh tế càng có nguy cơ chứa đựng rủi ro, sai lệch, thiếu tin cậy, thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân sau:

         Thứ nhất, khoảng cách lớn giữa người sử dụng thông tin và người cung cấp thông tin và sự điều chỉnh thông tin có lợi cho người cung cấp thông tin. Xã hội càng phát triển kéo theo hoạt động kinh tế ngày càng phát triển, mở rộng và đa dạng. Sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng ngày càng tăng, các thông tin được cung cấp có nguy cơ ngày càng bị hợp pháp hóa và thành tích hóa có lợi cho người cung cấp thông tin.

         Thứ hai, khối lượng thông tin quá nhiều. Xã hội càng phát triển thông tin càng phong phú đa dạng với khối lượng càng nhiều, khả năng chứa đựng những thông tin sai lệch trong những thông tin đúng đắn ngày càng tăng.

         Thứ ba, tính phức tạp của thông tin và nghiệp vụ kinh tế ngày càng tăng. Xã hội càng phát triển hoạt động càng tinh vi, các nghiệp vụ và thông tin càng phức tạp, nguy cơ chứa đựng những thông tin sai lệch là không thể tránh khỏi.

         Thứ tư, khả năng thông đồng xử lý thông tin có lợi cho người cung cấp thông tin ngày càng lớn. Xã hội càng phát triển, các hiện tượng tiêu cực càng tinh vi với mức độ gia tăng, khả năng câu kết, thông đồng để đem lại lợi ích cho người cung cấp thông tin ngày càng lớn, rủi ro thông tin càng cao.

         Để giảm rủi ro thông tin có 3 cách:

- Thứ nhất người sử dụng thông tin tự kiểm tra các thông tin mà mình sử dụng. Việc này không hiệu quả, tốn kém, không phù hợp với xu thế phát triển và chuyên môn hóa của thời đại. Mặt khác, do những hạn chế về năng lực của người sử dụng thông tin, đặc biệt đối với những thông tin phức tạp.

- Thứ hai, người sử dụng thông tin chia sẻ rủi ro thông tin này cùng nhà quản trị doanh nghiệp hay người cung cấp thông tin. Cách này có thể được thỏa thuận giữa hai bên, nhưng cách này lại không thể chia sẻ được khi người cung cấp thông tin bị giải thể, phá sản. Hậu quả khi đó luôn thuộc về người sử dụng thông tin.

- Thứ ba, chỉ sử dụng thông tin trên BCTC khi đã được kiểm toán độc lập xác nhận. Cách này rất thích hợp, phát huy được tính chuyên môn hóa sâu sắc, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, tiết kiệm chi phí, đảm bảo thích hợp, tin cậy của thông tin và đảm bảo lợi ích vật chất và tránh được hậu quả cho người sử dụng thông tin. Đồng thời gắn chặt giữa trách nhiệm pháp lý và vật chất của KTV với những ý kiến nhận xét kết luận mà họ cung cấp ra thị trường. Từ đó, kiểm toán ra đời phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thông tin là một sự cần thiết tất yếu khách quan.

         Từ đó có thể thấy rõ vai trò của kiểm toán trên nhiều mặt:

         Thứ nhất, kiểm toán tạo niềm tin cho những người quan tâm

Trong cơ chế thị trường có rất nhiều người quan tâm tới tình hình tài chính và sự phản ánh của nó trong tài liệu kế toán. Trong “thế giới của những người quan tâm” có thể kể đến:

- Đối với các cơ quan Nhà nước (government agency): cần thông tin trung thực để điều tiết vĩ mô nền kinh tế bằng hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế đối với các thành phần kinh tế. 

- Đối với các đơn vị được kiểm toán (hay đối với các nhà quản trị- manager): giúp đơn vị được kiểm toán nhìn rõ chân dung và thực lực của mình, đánh giá chính xác thực trạng tài chính, thẩm định đúng kết quả kinh doanh từ đó có biện pháp quản lý và điều hành thích ứng để nâng cao hiệu quả hoạt động thời kỳ tới. 

- Đối với các nhà đầu tư (Investor): cần có tài liệu tin cậy để trước hết có những hướng dẫn đúng đắn. Sau đó, điều hành sử dụng vốn đầu tư và cuối cùng cần có tài liệu trung thực về sự phân phối kết quả đầu tư. Không chỉ có nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài đều quan tâm đến kết quả của doanh nghiệp đó. Họ không chỉ quan tâm đến kết quả tài chính của doanh nghiệp mà còn quan tâm đến quản lý, vốn, tài sản, tổ chức của doanh nghiệp. Nếu không có sự xác nhận trung thực của kiểm toán thì các nhà đầu tư khó yên tâm và tin tưởng khi bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp.

- Đối với ngân hàng, các tổ chức tín dụng: căn cứ vào kết quả kiểm toán để xem xét tình hình cho các doanh nghiệp vay khi cần thiết. Tính trung thực của kết quả kiểm toán được Ngân hàng và các tổ chức tín dụng rất quan tâm do liên quan đến khả năng thu hồi nợ. Những thông tin do kiểm toán cung cấp một cách khách quan trung thực là  căn cứ để Ngân hàng và các tổ chức tín dụng tin tưởng vào doanh nghiệp hay cũng là cơ sở để kiểm tra sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian đang cho vay vốn.

- Đối với người lao động (employee): cần có thông tin đáng tin cậy về kết quả kinh doanh, về lợi nhuận phân phối, về thực hiện chính sách tiền lương và bảo hiểm ...nhu cầu đó chỉ có thể đáp ứng thông qua hệ thống kiểm toán hoàn chỉnh.

- Đối với khách hàng, nhà cung cấp (customer, supplier): cũng cần hiểu rõ thực chất về kinh doanh và về tài chính của các đơn vị kiểm toán về nhiều mặt: số lượng và chất lượng sản phẩm hàng hóa, cơ cấu tài sản và khả năng thanh toán, hiệu năng và hiệu quả của các bộ phận cung ứng, tiêu thụ hoặc sản xuất trong đơn vị được kiểm toán.

---

Tất cả những đối tượng quan tâm đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp ở một góc độ khác nhau, nhưng họ đều có mong muốn nguyện vọng chung là được sử dụng thông tin có độ tin cậy cao, chính xác và trung thực. Những người này không cần hoặc không thể biết tất cả các kỹ thuật nghiệp vụ của “nghề”  tài chính, kế toán nhưng họ lại cần biết thực trạng của hoạt động này. Chỉ có kiểm toán mới mang lại cho họ niềm tin vào những xác minh độc lập khách quan. Có thể nói việc tạo ra niềm tin cho những người quan tâm là yếu tố quyết định sự ra đời và phát triển của kiểm toán với tư cách là một hoạt động độc lập. Nhưng để tạo ra thông tin khách quan và trung thực hơn cần có một bên thứ ba độc lập khách quan, có kỹ năng nghề nghiệp, địa vị và trách nhiệm pháp lý kiểm tra và đưa ra lời kết luận là các báo cáo tài chính của doanh nghiệp lập ra có hợp thức không, có phản ánh đúng đắn và trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp không? Đó là công việc của kiểm toán viên độc lập thuộc các tổ chức kiểm toán chuyên nghiệp. Do vậy những đối tượng quan tâm tin tưởng vào thông tin do kiểm toán viên độc lập cung cấp hơn là do kiểm toán viên nội bộ cung cấp.

Thứ hai, kiểm toán góp phần hướng dẫn nghiệp vụ và củng cố nền nếp hoạt động tài chính kế toán nói riêng và hoạt động của đơn vị được kiểm toán nói chung

Hoạt động tài chính bao gồm nhiều mối quan hệ về đầu tư, về kinh doanh, về phân phối, thanh toán. Tính phức tạp của hoạt động này tăng lên bởi quan hệ chặt chẽ giữa các quan hệ tài chính với lợi ích của con người. Trong khi đó thông tin kế toán là sự phản ánh của hoạt động tài chính, thông tin kế toán còn là sản phẩm của quá trình xử lý thông tin bằng các phương pháp kỹ thuật rất đặc thù (như phương pháp chứng từ, phương pháp tổng hợp cân đối, phương pháp đối ứng tài khoản...). Do đó, nhu cầu hướng dẫn nghiệp vụ và củng cố nền nếp trong quản lý tài chính càng đòi hỏi diễn ra thường xuyên và ở mức độ cao hơn. Có vậy hoạt động quản lý mới phát huy được hiệu quả của mình, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả hoạt động.

         Thực tế đã chứng minh rõ, thông qua các kết luận và kiến nghị của mình, kiểm toán viên đã góp phần vào việc hướng dẫn các nghiệp vụ và củng cố nền nếp hoạt động tài chính kế toán.

Thứ ba, kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý

Trong các đơn vị được kiểm toán thường xuyên thì năng lực về quản lý ngày càng được nâng cao. Do thông qua hoạt động kiểm toán có thể phát hiện ra những sai phạm vô tình hay cố ý, phát hiện ra những yếu kém, hạn chế để từ đó nhà quản lý đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên. Chính việc trải qua nhiều hoạt động kiểm toán sẽ tích lũy những kinh nghiệm là cơ sở cho những bài học ở tương lai. Cũng qua hoạt động kiểm toán các nhà quản lý sẽ cố gắng phát huy hết năng lực của mình nhằm đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển cao hơn. Đây là vấn đề hết sức khó khăn vì chỉ có những nhà quản lý quan tâm một cách trung thực và lo lắng cho doanh nghiệp thì mới có thể đưa doanh nghiệp mình vực dậy được.

Từ tất cả những điều trình bày trên có thể thấy rõ kiểm toán có ý nghĩa lớn trên nhiều mặt, đó là “Kiểm toán là quan tòa công minh của quá khứ, người dẫn dắt cho hiện tại và người cố vấn sáng suốt cho tương lai”.