star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Thực trạng việc làm và thu nhập của lao động nông thôn Việt Nam hiện nay


Thực trạng việc làm và thu nhập của lao động nông thôn Việt Nam hiện nay

Mặc dù quá trình đô thị hoá và hội nhập kinh tế đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, tuy nhiên lao động vẫn tập trung ở nông thôn và tăng dần theo các năm. Cụ thể, theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn gần 36,7 triệu người, chiếm gần 67% lực lượng lao động cả nước. Điều này tiếp tục gây sức ép về nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Sự di cư của lao động nông thôn gây tình trạng thiếu việc làm cho thành thị, đồng thời gây thiếu hụt lao động ở nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư năm 2020 khoảng 9,82%, cao hơn khoảng 4,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động từ 15 tuổi trở lên, phần lớn tập trung ở lao động không qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật. Đặc biệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn chỉ đạt 16%, thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị. Đây là một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Trong khi đó, quy mô đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp ở các cơ sở đào tạo ngày càng giảm mạnh. Lao động đã qua đào tạo, nhất là lao động chất lượng cao không muốn về nông thôn. Thực trạng này xuất phát từ thực tế khách quan là nông thôn không có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để sử dụng người lao động có kỹ năng nghề cao. Trong khi đó, thu nhập từ lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, giá cả sản phẩm nông nghiệp luôn trong tình trạng được mùa mất giá, trong khi đó các loại chi phí về vật tư, dịch vụ nông nghiệp khá đắt đỏ. Không những vậy, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh trong nông nghiệp còn gặp khó khăn. Sự đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn quá ít dẫn đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới.

         Thực tế vấn đề lao động và việc làm của lao động nông thôn một số nơi vẫn trong tình trạng thiếu ổn định, việc làm ở nông thôn mang tính chất thời vụ cao, sản xuất nông nghiệp luôn chịu tác động và chi phối mạnh mẽ bởi các quy luật sinh học và điều kiện tự nhiên (khí hậu, đất đai..). Lao động nông thôn mang tính phổ thông, sản xuất phụ thuộc vào kinh nghiệm và sức khỏe, có việc làm nhưng thu nhập không ổn định, một bộ phận lớn thanh niên nông thôn không có khả năng tìm kiếm việc làm mới, không chuyển đổi được nghề. Một số người lao động chưa thật sự nhận thức sâu sắc trong công tác học nghề - giải quyết việc làm, tác phong làm việc, trình độ đáp ứng của người lao động còn hạn chế nên tỷ lệ bỏ giữa chừng vẫn còn cao. Công tác thu thập thông tin thị trường lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, các trường, cơ sở đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, do nguồn kinh phí còn thấp, lực lượng tham gia còn thiếu nên hạn chế trong công tác phân tích dự báo thị trường lao động. Việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động tại các địa phương chưa đạt hiệu quả do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đồng bộ.