Quy trình tín dụng căn bản của NHTM
1. Lập hồ sơ đề nghị cấp tín dụng
Lập hồ sơ tín dụng là khâu căn bản đầu tiên của quy trình tín dụng, nó được thực hiện ngay sau khi cán bộ tín dụng (CBTD) tiếp xúc với khách hàng có nhu cầu vay vốn. Lập hồ sơ tín dụng là khâu quan trọng vì nó là khâu thu thập thông tin làm cơ sở để thực hiện các khâu sau, đặc biệt là khâu phân tích và ra quyết định cho vay.
Tùy theo quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng, loại tín dụng yêu cầu và quy mô tín dụng, CBTD hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ với những thông tin yêu cầu khác nhau. Nhìn chung, 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp tín dụng cần thu thập từ khách hàng những thông tin sau:
Thông tin về năng lực pháp lý và năng lực hành vi của khách hàng.
Thông tin về khả năng sử dụng và hoàn trả vốn của khách hàng.
Thông tin về bảo đảm tín dụng.
Để thu thập được những thông tin căn bản như trên, ngân hàng thường yêu cầu khách hàng phải lập và nộp cho ngân hàng các loại giấy tờ sau:
Giấy đề nghị vay vốn.
Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân của khách hàng, chẳng hạn như giấy phép thành lập, quyết định bổ nhiệm giám đốc, điều lệ hoạt động.
Phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) và kế hoạch trả nợ, hoặc dự án đầu tư.
Báo cáo tài chính của thời kỳ gần nhất.
Các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh nợ vay.
Các giấy tờ liên quan khác nếu cần thiết.
2. Phân tích tín dụng
Phân tích tín dụng là phân tích khả năng hiện tại và tiềm tàng của khách hàng về sử dụng vốn tín dụng, khả năng hoàn trả và khả năng thu hồi vốn vay cả gốc và lời. Mục tiêu của phân tích tín dụng là tìm kiếm những tình huống cụ thể dẫn đến rủi ro cho ngân hàng, tiên lượng khả năng kiểm soát những loại rủi ro đó và dự kiến các biện pháp phòng ngừa và hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Mặt khác, phân tích tín dụng cũng quan tâm đến việc kiểm tra tính chân thực của hồ sơ vay vốn mà khách hàng cung cấp, từ đó nhận định về thái độ trả nợ của khách hàng làm cơ sở quyết định cho vay. Cách thức thu thập thông tin và phân tích cụ thể 1bộ hồ sơ tín dụng như thế nào sẽ được trình bày trong chương sau.
3. Quyết định và ký hợp đồng tín dụng
Quyết định tín dụng là quyết định cho vay hoặc từ chối đối với 1 hồ sơ vay vốn của khách hàng. Đây là khâu cực kỳ quan trọng trong quy trình tín dụng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến các khâu sau và ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả hoạt động tín dụng của ngân hàng. Có 2 loại sai lầm cơ bản thường xảy ra trong khâu này:
Quyết định chấp thuận cho vay đối với 1 khách hàng không tốt
Từ chối cho vay đối với 1 khách hàng tốt.
Cả 2 loại sai lầm này đều dẫn đến thiệt hại đáng kể cho ngân hàng. Loại sai lầm thứ nhất dễ dẫn đến thiệt hại do nợ quá hạn hoặc nợ không thể thu hồi, tức là thiệt hại về tài chính. Loại sai lầm thứ hai dễ dẫn đến thiệt hại về uy tín và mất cơ hội cho vay.
Nhằm hạn chế sai lầm, trong khâu quyết định tín dụng các ngân hàng thường chú trọng 2 vấn đề (1) thu thập và xử lý thông tin 1 cách đầy đủ và chính xác làm cơ sở để ra quyết định, (2) trao quyền quyết định cho 1 hội đồng tín dụng hoặc những người có năng lực phân tích và phán quyết.
Cơ sở để ra quyết định tín dụng
Cơ sở để ra quyết định tín dụng trước hết dựa vào thông tin thu thập và xử lý từ hồ sơ tín dụng, do giai đoạn trước chuyển sang. Kế đến, dựa vào những thông tin khác hoặc thông tin cập nhật hóa có liên quan, thông tin đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau đó được cập nhật hóa, đặc biệt là các thông tin đáng tin cậy từ các công ty nghiên cứu thị trường có uy tín, chẳng hạn như thông tin cập nhật về tình hình thị trường, chính sách tín dụng của ngân hàng, các quy định về hoạt động tín dụng của ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn cho vay của ngân hàng, kết quả thẩm định các hình thức bảo đảm nợ vay.
4. Giải ngân
Giải ngân là nghiệp vụ cấp tiền cho khách hàng trên cơ sở mức tín dụng đã ký kết trong hợp đồng. Giải ngân phải đảm bảo nguyên tắc vận động của tín dụng gắn liền với vận động của hàng hoá, đó là việc phát tiền vay phải có hàng hoá đối ứng, phù hợp với mục đích vay của hợp đồng tín dụng. Phương thức giải ngân phụ thuộc vào nội dung cam kết của hợp đồng. Theo tính chất nghiệp vụ, chia 2 loại:
+ Giải ngân là nghiệp vụ cấp tiền thuần tuý trong hạn mức tín dụng, không đòi hỏi thêm bất cứ điều kiện nào (thường áp dụng cho loại hình cho vay tiêu dung, cho vay hộ sản xuất, mức vay nhỏ).
+ Giải ngân là quyết định cho vay phụ kèm theo với việc cấp tiền khi hợp đồng có quy định những điều kiện ràng buộc cho việc giải ngân. Trong trường hợp này có các tình huống: ngân hàng có thể từ chối cấp tiền vay khi những điều kiện để đảm bảo môi trường tốt cho khoản tín dụng, những vấn đề liên quan đến chính sách đầu tư, thuế, những điều kiện về vốn đối ứng không được đáp ứng. Ngân hàng chỉ cấp tiền vay theo những điều kiện ràng buộc của hợp đồng nhưng những điều kiện ràng buộc chưa được đáp ứng thì vốn vay chưa được giải ngân.
Tuỳ theo mỗi loại và kỹ thuật cho vay khác nhau mà phương pháp giải ngân khác nhau.
5. Giám sát, thu nợ và thanh lý hợp đồng tín dụng
Giám sát tín dụng: là nhằm kiểm tra việc thực hiện các điều khoản đã cam kết theo hợp đồng tín dụng như: Khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích không, kiểm soát mức độ rủi ro tín dụng phát sinh trong quá trình sử dụng vốn, theo dõi thực hiện các điều khoản cụ thể đã thoả thuận tr ong hợp đồng, kịp thời phát hiện những vi phạm để có những ứng xử kịp thời, theo dõi và ghi nhận việc thực hiện quy trình tín dụng của các bộ phận có liên quan tại ngân hàng. Các phương pháp giám sát mà ngân hàng thường áp dụng:
+ Giám sát hoạt động tài khoản của khách hàng tại ngân hàng
+ Phân tích báo cáo tài chính theo định kỳ
+ Viếng thăm và kiểm soát địa điểm hoạt động kinh doanh
+ Kiểm tra việc đảm bảo tiền vay
+ Giám sát hoạt động khách hàng thông qua các mối quan hệ với khách hàng khác
+ Giám sát qua những thông tin khác.
Công tác thu nợ: Khách hàng có trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng đúng hạn và đầy đủ như trong cam kết theo hợp đồng. Các phương pháp thu nợ:
+ Thu gốc và lãi một lần ở kỳ hạn trả nợ cuối cùng.
+ Thu nợ gốc 1 lần khi đến hạn, thu lãi định kỳ
+ Thu nợ gốc và lãi theo nhiều kỳ hạn
Thủ tục thu nợ: trước ngày đáo hạn trả nợ, ngân hàng thường thông báo cho khách hàng biết số nợ phải thanh toán và ngày thanh toán bằng các hình thức như thông báo bằng thư, qua bưu điện, trực tiếp, bằng điện thoại hay qua mạng. Trong quá trình giám sát thu nợ, ngân hàng thường áp dụng một số biện pháp sau:
+ Điều chỉnh kỳ hạn nợ
+ Chuyển nợ quá hạn các khoản đến hạn nhưng chưa trả được
+ Coi các kỳ hạn sau đều đến hạn và chuyển nợ quá hạn số nợ còn lại
+ Khi đáo hạn mà khách hàng không trả được do nguyên nhân khách quan, nếu có nhu cầu và hội đủ các điều kiện, ngân hàng xem xét để gia hạn nợ. Việc gia hạn nợ (kéo dài thời hạn trả) sẽ quay lại giai đoạn 2.
+ Đảo nợ: là ký hợp đồng mới để thanh lý hợp đồng cũ. Phương pháp này chỉ áp dụng trong một số trường hợp nhất định như ngân hàng cho vay khách hàng thuộc đối tượng trung dài hạn do khách hàng không có nguồn vốn tương ứng hay do nhu cầu quản trị danh mục cho vay ngân hàng phải cấu trúc lại nợ, có sự thay đổi, dịch chuyển giữa các loại cho vay nhưng tổng dư nợ tại ngân hàng không thay đổi
Tái xét tín dụng và phân hạn tín dụng: Tái xét tín dụng là việc tiến hành phân tích tín dụng trong điều kiện khoản tín dụng đã được cấp nhằm đánh giá chất lượng của khoản tín dụng, qua đó phát hiện các rủi ro để có hướng giải quyết kịp thời. Qua đó đánh giá được hiện trạng tín dụng của ngân hàng. Cách thức tái xét tín dụng:
+ Nghiên cứu, dự đoán những khả năng đối lập với hiện trạng tài chính của khách hàng, nhất là khả năng gây bất lợi cho ngân hàng
+ Thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng và những biến động về nguồn trả nợ
+ Đánh giá lại năng lực của khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh của họ và cách xử lý tình huống mới
+ Đánh giá lại khả năng trả nợ của khách hàng dưới sự tác động của những thay đổi trong chính sách kinh tế của đất nước
+ Kiểm tra hồ sơ tín dụng, đảm bảo trong hồ sơ có chứa tất cả những thông tin cần thiết để có thể thẩm định khoản tín dụng đã cấp
+ Kiểm tra quá trình giám sát tín dụng của nhân viên ngân hàng.
Sau khi tái xét tín dụng, ngân hàng sẽ xếp loại các khoản tín dụng được xem xét theo các tiêu chí khác nhau như: Theo chất lượng tín dụng, theo khả năng hoạt động, quy mô nhu cầu vay của khách hàng, theo khả năng thu hồi.
Tổ chức xem xét và phân loại phụ thuộc vào khả năng quản trị, trình độ nghiệp vụ, quy mô kinh doanh ngân hàng, đây được xem là công tác thanh tra, kiểm soát nội bộ, đảm bảo cho hoạt động tín dụng an toàn, đúng hướng và có hiệu quả. Đối với ngân hàng lớn, việc tổ chức hoạt động này được thực hiện ở bộ phận độc lập và trực thuộc giám đốc. Đối với ngân hàng có quy mô vừa, bộ phận này được tổ chức ở phòng tín dụng và được giao cho một vài nhân viên chuyên thực hiện nhiệm vụ này. Đối với những ngân hàng quy mô nhỏ, việc xem xét lại tín dụng do các nhân viên tín dụng đảm nhận luôn. Các giấy tờ trong giai đoạn này được bổ sung vào hồ sơ tín dụng.
Xử lý nợ quá hạn, nợ có vấn đề: Nợ quá hạn là những khoản nợ không hoàn trả đúng hạn, không được phép và không đủ điều kiện gia hạn nợ. Trong trường hợp này, ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn và áp dụng các biện pháp khắt khe để nhanh chóng thu hồi nợ đầy đủ. Có 2 hướng để xử lý nợ quá hạn là khai thác và thanh lý.
Nguyễn Thị Minh Hà