star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Phân tích vốn lưu động ròng và cân bằng tài chính trong dài hạn


Phân tích vốn lưu động ròng và cân bằng tài chính trong dài hạn

Cân bằng tài chính dài hạn được thể hiện qua chỉ tiêu vốn lưu động ròng. Trong đó: Vốn lưu động ròng là khái niệm phản ánh khoản chênh lệch giữa các nguồn vốn và tài sản có cùng tính chất và thời gian sử dụng.

Nguyên tắc cơ bản của quản lý tài chính là doanh nghiệp phải dùng nguồn vốn dài hạn để hình thành tài sản dài hạn, dùng nguồn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản ngắn hạn. Điều đó đảm bảo rằng các tài sản dài hạn sẽ được sử dụng trong thời hạn dài mà không phải chịu áp lực về thanh toán cho nguồn hình thành. Cách tài trợ này giúp doanh nghiệp có được sự ổn định, an toàn về mặt tài chính.

Có hai phương pháp tính VLĐR của doanh nghiệp:

- VLDR là phần chênh lệch giữa TSNH với nguồn vốn tạm thời

Vốn lưu động ròng = TSNH - NVTT

Công thức này thể hiện cách thức sử dụng nguồn vốn lưu động ròng của doanh nghiệp để tài trợ cho các khoản nợ ngắn hạn như khoản phải thu, hàng tồn kho hay các khoản có tính thanh khoản cao của doanh nghiệp.

- VLĐR là phần chênh lệch giữa nguồn vốn thường xuyên với giá trị TSCĐ&ĐTDH

Vốn lưu động ròng = NVTX – TSDH

Theo công thức này, VLĐR thể hiện cân bằng giữa nguồn vốn ổn định với những tài sản có thời gian chu chuyển trên một chu kỳ kinh doanh hoặc trên 1 năm. Nó phản ánh nguồn gốc vốn lưu động ròng. Có nghĩa là sau khi đã tài trợ đủ cho TSDH thì phần dôi ra đó chính là VLĐ ròng. Cách tính này thể hiện phương thức tài trợ TSDH và đồng thời phản ánh tác động của việc đầu tư lên cân bằng tài chính tổng thể.

Vốn lưu động ròng là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá cân bằng tài chính của doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua các trường hợp sau:

Trường hợp 1: VLĐR = NVTX - TSDH > 0

Trong trường hợp này, cân bằng tài chính dài hạn được đánh giá là tốt, NVTX ngoài tài trợ cho TSDH còn tài trợ cho TSNH.

Trường hợp 2: VLĐR = NVTX - TSDH < 0

Trong trường hợp này, một phần TSDH được tài trợ bởi Nguồn vốn tạm thời, do vậy cân bằng tài chính trong dài hạn được đánh giá là không tốt.

Trường hợp 3: VLDR = NVTX - TSDH = 0

Trong trường hợp này, toàn bộ NVTT được đảm bảo bằng TSNH tức là dung toàn bộ TSNH để thanh toán nợ ngắn hạn, cân bằng dài hạn được đảm bảo nhưng không tốt.

Tuy nhiên để đánh giá cân bằng tài chính của doanh nghiệp cần nghiên cứu trong cả chuỗi thời gian thì mới dự đoán những khả năng, triển vọng về cân bằng tài chính trong tương lai. Vì vậy việc nghiên cứu VLĐ ròng tại nhiều thời điểm khác nhau để giúp cho người phân tích loại trừ được những sai lệch về số liệu. Phân tích VLĐR qua nhiều kỳ có những trường hợp sau:

+ Nếu vốn lưu động ròng giảm và âm qua các năm: Cho thấy mức độ an toàn và bền vững tài chính của doanh nghiệp giảm, vì doanh nghiệp phải sử dụng nguồn vốn tạm thời để tài trợ tài sản dài hạn. Do đó doanh nghiệp sẽ gặp áp lực về thanh toán ngắn hạn và có nguy cơ phá sản nếu không thanh toán đúng hạn hay có hiệu quả kinh doanh thấp.

+ Nếu VLĐR dương và tăng qua năm: Cho thấy mức độ an toàn và bền vững tài chính của doanh nghiệp là tốt vì không chỉ tài sản dài hạn mà cả tài sản ngắn hạn đều được tài trợ bằng nguồn vốn thường xuyên. Điều đó có nghĩa là NVTX tăng qua các năm là do doanh nghiệp tăng nguồn vốn chủ sở hữu hay tăng nợ dài hạn. Nếu tăng vốn chủ sở hữu thì sẽ tăng tính độc lập về tài chính cho doanh nghiệp, ngược lại nếu giảm đi nguồn vốn chủ sở hữu thì tính độc lập về tài chính sẽ giảm nhưng lại tăng hiệu ứng đòn bẩy nợ nếu tăng nợ dài hạn và phải chịu rủi ro về sử dụng nợ.

+ Nếu vốn lưu động ròng có tính ổn định: Điều đó thể hiện các hoạt động của doanh nghiệp đang trong trạng thái ổn định nhưng cần xem xét đến nguồn tài trợ để có được sự ổn định đó trong tương lai.

                                 Nguyễn Thị Minh Hà