Nội dung thẩm định cho vay tiêu dùng
1. Thẩm định đơn xin vay
a. Tư cách và mục đích
Yếu tố chủ yếu trong phân tích bất kỳ một đơn xin vay tiêu dùng nào cũng là tư cách (uy tín) và năng lực trả nợ (tính khả thi) của người vay. Cán bộ tín dụng phải chắc chắn rằng khách hàng vay tiêu dùng là người có đạo đức và nhận thức sâu sắc được trách nhiệm trong việc hoàn trả nợ vay đúng hạn. Ngoài ra, thu nhập và tài sản giá trị của người vay như chứng khoán hay tiền gửi tiết kiệm phải đủ để đảm bảo tiền vay.
Thông thường, tư cách người vay có thể đánh giá được qua mục đích xin vay của họ. Cán bộ tín dụng thường đặt các câu hỏi như: Anh (chị) sẽ làm gì với số tiền vay được? Mục đích vay vốn có phù hợp với chính sách tín dụng của ngân hàng? Có bằng chứng nào cho thấy người vay chân thành mong muốn hoàn trả nợ vay? Cán bộ tín dụng nên đến và phỏng vấn trực tiếp khách hàng tại nơi cư trú của họ, qua đó thái độ, tư cách và sự chân thành của khách hàng được bộc lộ một cách trực quan và trung thực hơn.
b. Mức thu nhập
Mức thu nhập của khách hàng và sự ổn định của thu nhập được xem là yếu tố quan trọng trong quyết định cho vay tiêu dùng. Ngân hàng thường quan tâm chủ yếu đến mức thu nhập ròng hay thu nhập sau thuế hơn là tổng thu nhập của người vay. Đối với khoản vay giá trị lớn, ngân hàng có thể tiến hành kiểm tra thông tin ở người sử dụng lao động để xác định tính chính xác của các thông tin mà người vay xuất trình như nơi làm việc, thời gian làm việc, mức thu nhập hàng tháng.
c. Số dư tiền gửi
Một chỉ tiêu gián tiếp đo mức thu nhập và sự ổn định của nó đó là số dư tiền gửi trung bình hàng ngày của khách hàng mà cán bộ tín dụng có thể xác minh tại các tổ chức nhận tiền gửi liên quan. Trong hầu hết các hợp đồng tín dụng, thì số dư tiền gửi trên tài khoản tiền gửi được xem là nguồn trả nợ bổ sung khi cần thiết.
d. Sự ổn định trong công việc và nơi cư trú
Trong rất nhiều các nhân tố cần đánh giá đó là thời gian làm việc của khách hàng, rất nhiều ngân hàng sẽ không cấp tín dụng cho một ai đó mà người này mới đi làm công việc hiện tại được vài tuần hay vài tháng. Thời gian cư trú cũng là yếu tố đánh giá, bởi vì một người ở càng lâu tại một địa chỉ được xem là có tính ổn định cao hơn. Việc thay đổi thường xuyên địa chỉ nơi cư trú trở thành yếu tố cản trở trong việc ra quyết định cho vay.
e. Có nợ chồng chéo
Nhìn chung, bất kỳ ngân hàng nào cũng không mặn mà với khách hàng có biểu hiện nợ chồng chéo so với thu nhập của họ. Biểu hiện nợ chồng chéo như khách hàng đi vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác, dư nợ thẻ tín dụng tăng thường xuyên ở mức cao, tài khoản phát hành séc cạn kiệt... Các biểu hiện này nói lên rằng kỹ năng quản lý tiền mặt của khách hàng rất tồi, khách hàng có thể rơi vào trạng thái nợ quá hạn, túng quẫn và dễ chấp nhận mạo hiểm với tiền đi vay, trong trường hợp này việc quyết định từ chối cho vay là sáng suốt.
f. Nhân tố trợ giúp khoản vay
Một nhân tố tích cực hỗ trợ cho khoản vay tiêu dùng được cấp đó là quyền sở hữu nhà hoặc quyền sở hữu bất kỳ tài sản thực có giá trị nào khác như đất đai, căn hộ, xe hơi... Ngay cả khi những tài sản này không được dùng làm vật bảo đảm tiền vay thì chúng cũng phát tín hiệu tích cực rằng khách hàng là người có kỹ năng quản lý tiền rất tốt. Một yếu tố tích cực nữa là số dư tiền gửi được duy trì thường xuyên ổn định ở mức cao, một mặt đáp ứng yêu cầu được cấp tín dụng, mặt khác tạo cơ hội cho ngân hàng có thể sử dụng số dư tiền gửi này để cho vay lấy lãi.
Vấn đề quan trọng là phải đánh giá xem tất cả các câu hỏi của cán bộ tín dụng có được trả lời một cách trung thực. Cán bộ tín dụng sẽ tìm ra sự không nhất quán trong đơn xin vay là bằng chứng về sự không trung thực hay sự cẩu thả của khách hàng.
2. Phương pháp hệ thống điểm số
Trong thực tế, mỗi khách hàng vay tiêu dùng thường có nhu cầu vay một lượng tiền nhỏ hơn rất nhiều so với vay để sản xuất kinh doanh, nhưng số lượng khách hàng lại rất đông. Để đạt được mức dư nợ nhất định, cán bộ tín dụng phải thực hiện số lượng các hợp đồng vay tiêu dùng lớn hơn rất nhiều so với các loại cho vay khác, trong khi thời gian lại có hạn. Để đảm bảo thời gian, khách quan, an toàn và hiệu quả trong việc ra quyết định cho vay tiêu dùng, các ngân hàng đã xây dựng hệ thống điểm số tín dụng tiêu dùng. Hệ thống điểm số tín dụng bao gồm các tiêu chí khác nhau để xếp hạng tín dụng khách hàng.
Mô hình tính điểm tín dụng cá nhân ở Việt Nam
Phương pháp tính điểm tín dụng: là một phương pháp lượng hoá mức độ rủi ro tín dụng của khách hàng thông qua quá trình đánh giá bằng thang điểm.
Các bước xếp hạng tín dụng cá nhân: được tiến hành qua 4 bước cơ bản sau:
Bước 1: Lựa chọn sơ bộ
Tên khách hàng:...............................................................................................
Tổng điểm chấm bước 1:.................................................................................
Nếu <= 0 thì từ chối và chấm dứt quá trình xếp hạng
Nếu > 0 thì chuyển sang bước 2
Bước 2: chấm điểm và phân loại
Cán bộ tín dụng sử dụng bảng để chấm điểm cho khách hàng được lựa chọn ở bước 1.
Tên khách hàng:...............................................................................................
Tổng điểm chấm bước 2:.................................................................................
Bước 3: trình phê duyệt kết quả chấm điểm tín dụng.
Cán bộ tín dụng lập tờ trình để trình trưởng phòng kiểm tra và ký trước khi trình giám đốc. Nội dung tờ trình phải có những ý cơ bản sau:
- Giới thiệu thông tin cơ bản về khách hàng
- Phương pháp/mô hình áp dụng để chấm điểm tín dụng.
- Tài liệu làm căn cứ để chấm điểm tín dụng.
- Nhận xét/đánh giá của cán bộ tín dụng về kết quả chấm điểm và xếp hạng khách hàng.
Bước 4: đánh giá lại xếp hạng tín dụng
Việc xếp hạng tín dụng phải phản ánh chính xác trình trạng rủi ro của mỗi khách hàng. Vì vậy, hạng tín dụng được đánh giá lại định kỳ. Ngoài ra, cán bộ tín dụng phải đánh giá lại hạng tín dụng bất kỳ lúc nào khi có sự kiện xẩy ra gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng.
Sử dụng kết quả tính điểm tín dụng
Kết quả xếp hạng tín dụng được sử dụng cho các mục đích:
- Xác định giới hạn tín dụng.
- Quyết định tín dụng gồm các nội dung: từ chối hay đồng ý, thời gian và mức lãi suất cho vay và xác định yêu cầu về tài sản bảo đảm.
- Đánh giá hiện trạng khách hàng trong quá trình theo dõi vốn vay.
- Quản lý danh mục tín dụng và trích lập dự phòng rủi ro.
3. Các phương pháp hiện giá cho vay tiêu dùng
Thực tế là, do sự đa dạng trong cách tính lãi như trả trước hay trả sau, trả tất cả lãi một lần hay chia ra từng lần để trả, mà lãi suất công bố trong các khoản vay không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác chi phí đi vay. Cùng một mức lãi suất công bố nhưng nếu cách thức tính lãi khác nhau thì số tiền lãi cuối cùng sẽ khác nhau.
a. Phương pháp lãi suất đơn
Khái niệm: lãi suất đơn là lãi suất chỉ tính trên số tiền gốc mà không có yếu tố nhập lãi vào gốc để tính cho kỳ tiếp theo, tức không có yếu tố lãi sinh ra lãi hay lãi mẹ đẻ lãi con.
Công thức của lãi suất đơn:
Pt = Po (1 + r.t)
Trong đó, Po – số tiền gốc hay giá trị hiện thời
r – lãi suất được yết %/năm
t – thời hạn của hợp đồng tính theo năm
Pt – số tiền gốc và lãi khi đến hạn
b. Phương pháp trả lãi kép
Khái niệm: những hợp đồng tài chính có nhiều kỳ tính lãi, mà lãi phát sinh của kỳ trước được gộp chung vào với gốc để tính lãi cho kỳ tiếp theo, phương pháp tính lãi như vậy gọi là lãi suất kép hay lãi sinh ra lãi (lãi mẹ để lãi con).
Công thức của lãi suất kép
Pt = Po ( 1 + r/n)nt
Trong đó, Po – số tiền gốc hay giá trị hiện thời
r – mức lãi suất %/năm
t – thời hạn của hợp đồng tính theo năm
Pt – số tiền gốc và lãi khi đến hạn
n – số lần tính lãi trong một năm
c. Phương pháp chiết khấu
Hầu hết các khoản vay cho phép người vay thanh toán tiền lãi dần dần cho đến khi đáo hạn. Tuy nhiên, một số khoản vay khác lại yêu cầu khách hàng phải trả lãi ngay khi hợp đồng được ký kết, phương pháp như vậy gọi là phương pháp chiết khấu hay trả lãi trước.
Ví dụ: Một khoản vay tiêu dùng trị giá 500 triệu đồng, kỳ hạn 1 năm, lãi suất 12%/năm áp dụng phương pháp chiết khấu. Tính mức lãi suất hiệu dụng?
d. Phương pháp trả góp
Khái niệm: trả góp là việc quy định thanh toán những khoản tiền (gốc và lãi) bằng nhau trong những kỳ thanh toán khác nhau.
Công thức trả góp thông thường:
Po = C/r * ( 1 - 1/(1+r)n )
Trong đó: C (Constant) là khoản tiền trả góp
n là tổng số lần trả góp (tức có n lần C)
Po là giá trị khoản vay trả góp
r là mức lãi suất của một kỳ trả góp./.
Nguyễn Thị Minh Hà