star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Giám sát - thu nợ và thanh lý hợp đồng tín dụng


Giám sát - thu nợ và thanh lý hợp đồng tín dụng

1.Giám sát tín dụng: là nhằm kiểm tra việc thực hiện các điều khoản đã cam kết theo hợp đồng tín dụng như: Khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích không, kiểm soát mức độ rủi ro tín dụng phát sinh trong quá trình sử dụng vốn, theo dõi thực hiện các điều khoản cụ thể đã thoả thuận tr ong hợp đồng, kịp thời phát hiện những vi phạm để có những ứng xử kịp thời, theo dõi và ghi nhận việc thực hiện quy trình tín dụng của các bộ phận có liên quan tại ngân hàng. Các phương pháp giám sát mà ngân hàng thường áp dụng:

+ Giám sát hoạt động tài khoản của khách hàng tại ngân hàng

+ Phân tích báo cáo tài chính theo định kỳ

+ Viếng thăm và kiểm soát địa điểm hoạt động kinh doanh

+ Kiểm tra việc đảm bảo tiền vay

+ Giám sát hoạt động khách hàng thông qua các mối quan hệ với khách hàng khác

+ Giám sát qua những thông tin khác.

Công tác thu nợ: Khách hàng có trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng đúng hạn và đầy đủ như trong cam kết theo hợp đồng. Các phương pháp thu nợ:

+ Thu gốc và lãi một lần ở kỳ hạn trả nợ cuối cùng.

+ Thu nợ gốc 1 lần khi đến hạn, thu lãi định kỳ

+ Thu nợ gốc và lãi theo nhiều kỳ hạn

2.Thủ tục thu nợ: trước ngày đáo hạn trả nợ, ngân hàng thường thông báo cho khách hàng biết số nợ phải thanh toán và ngày thanh toán bằng các hình thức như thông báo bằng thư, qua bưu điện, trực tiếp, bằng điện thoại hay qua mạng. Trong quá trình giám sát thu nợ, ngân hàng thường áp dụng một số biện pháp sau:

+ Điều chỉnh kỳ hạn nợ

+ Chuyển nợ quá hạn các khoản đến hạn nhưng chưa trả được

+ Coi các kỳ hạn sau đều đến hạn và chuyển nợ quá hạn số nợ còn lại

+ Khi đáo hạn mà khách hàng không trả được do nguyên nhân khách quan, nếu có nhu cầu và hội đủ các điều kiện, ngân hàng xem xét để gia hạn nợ. Việc gia hạn nợ (kéo dài thời hạn trả) sẽ quay lại giai đoạn 2.

+ Đảo nợ: là ký hợp đồng mới để thanh lý hợp đồng cũ. Phương pháp này chỉ áp dụng trong một số trường hợp nhất định như ngân hàng cho vay khách hàng thuộc đối tượng trung dài hạn do khách hàng không có nguồn vốn tương ứng hay do nhu cầu quản trị danh mục cho vay ngân hàng phải cấu trúc lại nợ, có sự thay đổi, dịch chuyển giữa các loại cho vay nhưng tổng dư nợ tại ngân hàng không thay đổi

3.Tái xét tín dụng và phân hạn tín dụng: Tái xét tín dụng là việc tiến hành phân tích tín dụng trong điều kiện khoản tín dụng đã được cấp nhằm đánh giá chất lượng của khoản tín dụng, qua đó phát hiện các rủi ro để có hướng giải quyết kịp thời. Qua đó đánh giá được hiện trạng tín dụng của ngân hàng. Cách thức tái xét tín dụng:

+ Nghiên cứu, dự đoán những khả năng đối lập với hiện trạng tài chính của khách hàng, nhất là khả năng gây bất lợi cho ngân hàng

+ Thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng và những biến động về nguồn trả nợ

+ Đánh giá lại năng lực của khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh của họ và cách xử lý tình huống mới

+ Đánh giá lại khả năng trả nợ  của khách hàng dưới sự tác động của những thay đổi trong chính sách kinh tế của đất nước

+ Kiểm tra hồ sơ tín dụng, đảm bảo trong hồ sơ có chứa tất cả những thông tin cần thiết để có thể thẩm định khoản tín dụng đã cấp

+ Kiểm tra quá trình giám sát tín dụng của nhân viên ngân hàng.

Sau khi tái xét tín dụng, ngân hàng sẽ xếp loại các khoản tín dụng được xem xét theo các tiêu chí khác nhau như: Theo chất lượng tín dụng, theo khả năng hoạt động, quy mô nhu cầu vay của khách hàng, theo khả năng thu hồi.

Tổ chức xem xét và phân loại phụ thuộc vào khả năng quản trị, trình độ nghiệp vụ, quy mô kinh doanh ngân hàng, đây được xem là công tác thanh tra, kiểm soát nội bộ, đảm bảo cho hoạt động tín dụng an toàn, đúng hướng và có hiệu quả. Đối với ngân hàng lớn, việc tổ chức hoạt động này được thực hiện ở bộ phận độc lập và trực thuộc giám đốc. Đối với ngân hàng có quy mô vừa, bộ phận này được tổ chức ở phòng tín dụng và được giao cho một vài nhân viên chuyên thực hiện nhiệm vụ này. Đối với những ngân hàng quy mô nhỏ, việc xem xét lại tín dụng do các nhân viên tín dụng đảm nhận luôn. Các giấy tờ trong giai đoạn này được bổ sung vào hồ sơ tín dụng.

4.Xử lý nợ quá hạn, nợ có vấn đề: Nợ quá hạn là những khoản nợ không hoàn trả đúng hạn, không được phép và không đủ điều kiện gia hạn nợ. Trong trường hợp này, ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn và áp dụng các biện pháp khắt khe để nhanh chóng thu hồi nợ đầy đủ. Có 2 hướng để xử lý nợ quá hạn là khai thác và thanh lý./.Nguyễn Thị Minh Hà