Thời gian qua, các chuyên gia và DN luôn kêu gọi cẩn trọng với diễn biến giá vàng bởi có thể gây rủi ro rất lớn cho cá nhân, tổ chức mua bán vàng với mục đích đầu cơ. Dưới đây là bốn khuyến nghị mà NĐT cần “để tâm” một khi đầu tư vàng trong bối cảnh lạm phát cao.
Thứ nhất, nắm giữ tỷ lệ thích hợp và không để bị cuốn vào “cơn lốc” giá vàng. Cơn sốt vàng vừa qua chủ yếu được thúc đẩy những xúc cảm và tâm lý bầy đàn của người dân. Vì vậy, NĐT thận trọng cần giữ vững chiến lược đầu tư dài hạn và phải luôn đảm bảo rằng tài sản được phân phối đúng và đa dạng hóa theo danh mục đầu tư thích hợp. Vàng có thể nằm trong chiến lược dài hạn của NĐT nhưng không nên giữ tỷ lệ quá cao trong nguồn tài sản đầu tư của mình. Theo các chuyên gia vàng trên thế giới, tỷ lệ thích hợp trong danh mục tài sản của NĐT chỉ nên từ 2-5%.
Thứ hai, cần có chiến lược để tỉnh táo thoát ra. Trong bất cứ kênh đầu tư nào, thoát ra đúng thời điểm là cực kỳ quan trọng bởi nó không chỉ mang lại thắng lợi mà quan trọng hơn là giảm thiểu thiệt hại cho NĐT. Không như chứng khoán hay bất động sản, đầu tư vàng có lẽ không nên đặt ra một mức độ lời nhuận kỳ vọng quá xa vời nào đó vì giá vàng biến đổi từng phút. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong sự kỳ vọng quá cao, trong men say chiến thắng khi giá vàng tăng chưa có điểm dừng, cộng với nỗi lo sợ của giới đầu tư đối với triển vọng kinh tế thế giới, việc bán vàng để hiện thực hóa lợi nhuận là điều không dễ dàng. Dù sao các chuyên gia vàng cũng khuyến cao rằng, nếu vàng chiếm tỷ lệ trên 5% trong danh mục tài sản, NĐT cần có ngay chiến lược thoát ra để có thể chủ động thời điểm bán vàng với giá cạnh tranh tốt nhất. Lời khuyên này cũng vừa được trang mạng tài chính Smart Money đưa ra đối với các NĐT trong thời điểm giá vàng tăng lên mức kỷ lục mới.
Thứ ba, cần biết rõ khả năng dễ bị tổn thương của vàng. Trong bối cảnh lạm phát leo thang hồi năm 1980, vàng từ mốc 450 USD đã vọt lên mức 850 USD chỉ trong vòng năm tuần lễ. Sau đó, giá giao dịch kim loại này lại lao xuống mức thấp tới xấp xỉ 300 USD trong vòng một năm sau đó và liên tục đi xuống trong suốt 20 năm tiếp theo. Giai đoạn hơn hai thập kỷ giảm giá của vàng đã làm cho nhiều NĐT phải nản lòng vì thua lỗ rất lớn. Và cũng trong thời gian đó, vàng không còn hề nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Hơn nữa, một khi “điểm nghẽn” của kinh tế trong nước và toàn cầu (đặc biệt là nền kinh tế M ỹ) được tháo gỡ, các kênh đầu tư khác sôi động trở lại và lúc đó, chắc chắn sự quan tâm của vàng đối với giới đầu tư sẽ giảm xuống rất nhiều.
Thứ tư, phải ghi nhớ: Bài học cũ nhưng luôn mới. Trong đầu tư, kinh nghiệm cũ thường luôn có được giá trị. Các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản từng mang lại nhiều bài học đắt giá cho các NĐT thiếu kinh nghiệm và chạy theo phong trào. Không có lý do gì mà kênh đầu tư vàng không mang thêm quả đắng nữa cho họ. Vì vậy, nếu người dân, NĐT không cảnh giác với tin đồn, bị kích động và đổ xô mua vàng theo phong trào khi bản thân chưa thực sự có nhu cầu hoặc kinh nghiệm đầu tư thì sẽ tự gây tổn hại cho mình.