Chuyển đổi số trong Logistics nâng cao năng lực quản lý
Cùng với quá trình chuyển đổi số, công ty cũng đã đưa hệ thống robot vào hoạt động, từ đó năng suất vận hành được tăng lên đáng kể, tiết giảm được khoảng 40% chi phí giao phát, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Hạ tầng thông minh cũng giúp cho cán bộ nhân viên bớt công sức và tăng sức lao động. Hiện công ty đã đầu tư hạ tầng cho 3 thành phố lớn là TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Đồng thời, công ty cũng đầu tư kho bãi ở 63 tỉnh, thành, nhằm chuẩn bị đón sóng thương mại điện tử.
Tương tự, với hệ sinh thái Cảng và Logistics tích hợp trải dài từ Bắc vào Nam, Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD - sàn HoSE) tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng hệ sinh thái Cảng – Logistics thông minh và xanh, Gemadept đang tích cực chung tay cùng với Chính phủ trong việc hiện thực hóa cam kết Net Zero đến năm 2050.
Để theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, theo ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng giám đốc Gemalink (đơn vị thành viên của Gemadept), công ty đã thành lập Ban ESG, thực hiện việc kiểm kê phát thải khí nhà kính tại các cảng hàng năm, xây dựng lộ trình giảm phát thải, phát triển cảng xanh, đầu tư trang thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường; chuyển đổi sử dụng điện thay thế cho dầu diesel, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; sáng kiến trồng rừng Seed for Sea tại Vĩnh Long hay ký hợp đồng với HSBC thỏa thuận về tín dụng liên kết bền vững.
Việc phát triển cảng thông minh, bền vững là một quá trình dài và đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược, lộ trình và đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành và sự hợp tác của các bên liên quan để đạt được mục tiêu này.
Ông Eric Herding, Tổng giám đốc DSV Air & Sea Việt Nam cho rằng, ngành logistics của Việt Nam đã nổi lên như một trong những điểm sáng về tăng trưởng nhanh trên toàn cầu trong những năm gần đây, thúc đẩy các công ty nước ngoài tham gia vào thị trường. Do đó, chuyển đổi số góp phần quan trọng để doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh trong thị trường có nhiều cơ hội, nhưng cũng không thiếu các thách thức hiện nay. Có 3 yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số gồm nhân sự IT, thay đổi quy trình và chất lượng dữ liệu.
Các giải pháp số hóa đã giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn nhiều trong nghiên cứu, tìm kiếm thông tin dễ dàng, tăng khả năng quản trị, tăng hiệu suất công việc.
“Tuy nhiên, nếu chỉ số hóa theo trào lưu mà không có mục đích rõ ràng thì rất khó để thành công, vì vậy, quan trọng nhất là ở tư duy con người. Trong năm 2025 sẽ có nhiều sự thay đổi, nên các doanh nghiệp phải có giải pháp số hóa sao cho thiết thực, hiệu quả với bối cảnh hiện nay...”, ông Eric Herding nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, cũng như các quốc gia, doanh nghiệp nào nắm bắt tốt hơn các làn sóng công nghệ mới sẽ vượt lên. Nhưng muốn làm được điều đó, các bộ, ngành và địa phương cùng với doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về cơ chế chính sách, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp logistics cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện liên kết, liên doanh, mua bán-sáp nhập để tạo ra các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hơn.
Sưu tầm -LÊ MINH VĨ-KTTC