Các nhân tố ảnh hưởng đến giá thị trường của cổ phiếu
1. Sự phát triển của nền kinh tế trong nước và nền kinh tế thế giới
Sự phát triển của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế trong nước là nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu nhiều nhất, giá cổ phiếu có xu hướng tỷ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế, nó sẽ tăng khi nền kinh tế phát triển và ngược lại. iều kiện kinh tế thuận lợi sẽ mang về cho các doanh nghiệp mức lợi nhuận cao hơn, thu nhập tốt, từ đó làm cho cổ phiếu của họ có sự hấp dẫn hơn. Các nhà đầu tư cũng sẽ dễ dàng tìm thấy sự tiềm năng từ cổ phiếu của họ vì doanh nghiệp có đủ khả năng trả cổ tức nhiều hơn cho các cổ đông.
Tuy vậy, nếu nền kinh tế trở nên chậm phát triển sẽ dẫn đến doanh nghiệp làm ăn đi xuống và có xu hướng cắt giảm cổ tức.
Bên cạnh đó trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng cao, các doanh nghiệp trên thế giới cũng có xu hướng hợp tác kinh doanh, đầu tư sâu rộng hơn. Do đó biến động chính trị trong và ngoài nước cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu vì tình hình chính trị chi phối tình hình kinh tế, khi tình hình chính trị của đất nước ổn định thì nhà đầu tư mới có đủ tự tin để tiếp tục đầu tư. Ngược lại nếu chính trị trở nên bất ổn, nhà đầu tư trở nên e ngại thì giá cổ phiếu cũng sẽ có xu hướng giảm đi.
2. Quy luật cung – cầu trên thị trường:
Quy luật cung cầu luôn có sự ảnh hưởng mạnh tới toàn bộ thị trường hàng hóa trong nước nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Nếu có nhiều người muốn mua một mặt hàng, cầu trở nên nhiều hơn cung thì giá có xu hướng tăng và ngược lại. Đối với chứng khoán cũng vậy, nếu số lượng nhà đầu tư mua cổ phiếu (cầu) nhiều hơn lượng nhà đầu tư bán cổ phiếu đó (cung) thì giá của cổ phiếu đó sẽ có xu hướng tăng lên và ngược lại.. Mặc dù quy luật cung cầu là một yếu tố ảnh hưởng tới giá cổ phiếu, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần cẩn thận vì không phải cổ phiếu nào được lựa chọn mua nhiều đều là cổ phiếu tốt, hãy tìm hiểu thật kỹ và kết hợp nhiều yếu tố với nhau để có thể đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Việc theo dõi quy luật cung cầu trên thị trường và nhạy bén trước những thông tin tài chính giúp nhà đầu tư có thể có cơ hội mua thấp bán cao và thu về cho mình lợi nhuận tối ưu khi đầu tư.
3. Kết quả hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp:
Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu đó là tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Doanh nghiệp làm ăn có lãi, lợi nhuận tăng trưởng cao thì giá cổ phiếu sẽ tăng, sẽ được các nhà đầu tư quan tâm và lựa chọn giao dịch một cách nhanh chóng. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường rất quan tâm đến kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp để định giá cổ phiếu. Ngược lại, nếu kết quả kinh doanh giảm sút thì giá cổ phiếu sẽ giảm do công ty đó không giành được lòng tin của các nhà đầu tư.
4.Thông tin truyền thông và tâm lý nhà đầu tư:
Thị trường chứng khoán là một thị trường nhạy cảm, luôn xuất hiện nhiều loại thông tin khác nhau. Đối với các Doanh nghiệp đang có cổ phiếu trên sàn giao dịch họ rất ngại những thông tin truyền thông xấu, vì nó sẽ làm cho niềm tin của các nhà đầu tư đối với Doanh nghiệp bị giao động, họ sẽ tìm cách bán cổ phiếu để hạn chế rủi ro, từ đó làm giá cổ phiếu sẽ giảm. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải biết lựa chọn, tìm hiểu và phân tích đúng đắn các thông tin để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý, chính xác hơn. Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nếu không chuyên thường sẽ rất nhạy cảm với thông tin. Đôi khi, thông tin tiêu cực về một công ty nào đó dù chưa được xác thực cũng có thể khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Do đó, nhà đầu tư cần chọn lọc kỹ thông tin để tránh trường hợp bị thao túng và đưa ra quyết định sai lầm.
Việc quan tâm đến các yếu tố tác động đến thị giá giúp nhà đầu tư hạn chế việc mua - bán cổ phiếu cảm tính, phiến diện, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận dài hạn.
Nguyễn Thị Minh Hà