Một trong những nhân tố cần thiết của quá trình sản xuất kinh doanh là vốn. Nguồn vốn của doanh nghiệp được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vốn góp,…Để được quyền sử dụng các nguồn vốn này, doanh nghiệp phải trả cho chủ sở hữu của các nguồn vốn một lượng giá trị nhất định, đó là giá của việc sử dụng các nguồn tài trợ hay còn gọi là chi phí sử dụng vốn. Mỗi một nguồn tài trợ (vốn huy động hay chủ sở hữu) đều có một giá sử dụng khác nhau.
Chi phí cơ hội vốn của doanh nghiệp được định nghĩa là số tiền lẽ ra có thể nhận được với phương án sử dụng tốt nhất tiếp theo so với phương án đang thực hiện.
Việc xác định chi phí cơ hội vốn của doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá tính kinh tế của các dự án đầu tư. Trong trường hợp chủ doanh nghiệp sử dụng một phần hay toàn bộ lợi nhuận ròng của công ty để tái đầu tư vào dự án mới, mặc dù có thể coi đây là một nguồn ngân quỹ miễn phí vì thực tế là doanh nghiệp không phải chi trả bất cứ một khoản phí tổn nào cho việc sử dụng chúng. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng nếu xem xét theo quan điểm kinh tế, theo cách xem xét này thì chi phí của nguồn vốn nội bộ được đo lường bằng chi phí cơ hội, tức là nếu những khoản lợi nhuận này không được giữ lại trong doanh nghiệp mà chi trả toàn bộ cho cổ đông thì đương nhiên những người này sẽ sử dụng khoản tiền đó để đầu tư nhằm thu được lợi nhuận tại một nơi khác ngoài doanh nghiệp. Bởi vậy có thể coi những lợi nhuận có thể thu được từ việc đầu tư này là chi phí cơ hội đối với khoản vốn huy động từ lợi nhuận giữ lại của công ty.
2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chi phí sử dụng vốn
2.1. Các nhân tố doanh nghiệp không thể kiểm soát
- Lãi suất : Lãi suất tăng sẽ dẫn đến chi phí của nợ tăng vì công ty phải trả cho trái chủ nhiều hơn khi họ đi vay mượn. Nếu lãi suất giảm do lạm phát giảm thì chi phí sử dụng vốn cũng sẽ giảm, do đó khuyến khích các công ty đầu tư.
- Thuế suất : Thuế suất được sử dụng trong tính toán chi phí sử dụng vốn thành phần của nợ. Gây ảnh hưởng ít nhiều đến tính toán chi phí sử dụng vốn khi đi vay nợ.
2.2. Các nhân tố doanh nghiệp có thể kiểm soát :
- Cấu trúc vốn : Nếu doanh nghiệp có sẵn cấu trúc vốn tối ưu thì việc tính toán WACC sẽ thực hiện theo cấu trúc đó. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thay đổi cấu trúc vốn của mình sẽ làm cho tỷ trọng để tính WACC thay đổi theo. Vì vậy, cần xác định cấu trúc vốn một cách cụ thể và rõ ràng để việc tính toán chi phí được thực hiện dễ dàng hơn.
- Chính sách chi trả cổ tức : Chính sách cổ tức ảnh hưởng đến khoản lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp, nhu cầu phát sinh cổ phiếu mới và chi phí phát hành. Tỷ lệ chi trả cổ tức càng cao, lợi nhuận giữ lại càng nhỏ thì chi phí sử dụng vốn cổ phần thường càng cao và do đó WACC càng cao.
- Quyết định ngân sách vốn đầu tư : Sử dụng ngân sách như thế nào để đầu tư vào các tài sản cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chi phí sử dụng vốn. Nếu doanh nghiệp quyết định đầu tư vào một dây chuyền sản xuất hoàn toàn mới và chứa rủi ro, vì thế chi phí sử dụng vốn thành phần của nợ và vốn cổ phần tăng lên, dẫn đến WACC tăng lên.
Nguyễn Thị Tiến – Khoa KT- TC