star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Các loại điều tra thống kê


 Các loại điều tra thống kê

      Tuỳ theo đặc điểm của hiện tượng kinh tế-xã hội, mục đích nghiên cứu thống kê và khả năng thu thập tài liệu mà người ta áp dụng loại hình điều tra thống kê thích hợp.

      a. Nếu căn cứ vào việc thu thập tài liệu liên tục hay không liên tục người ta chia điều tra thống kê thành 2 loại:

  •  Điều tra thường xuyên: là tiến hành thu thập tài liệu một cách thường xuyên, liên tục, gắn liền với tình hình biến động và sự phát sinh, phát triển của hiện tượng.

Loại này thường dùng đối với các hiện tượng cần được theo dõi liên tục do nhu cầu quản lý.

      Ví dụ: Cơ quan hộ tịch thường xuyên ghi chép số sinh, chết, số kết hôn... của từng địa phương.

      Trong một đơn vị kinh doanh hàng ngày ghi chép số lượng hàng hoá mua, bán, doanh số bán....

      Điều tra thường xuyên tạo ra khả năng theo dõi được tỷ mỉ tình hình biến động của hiện tượng theo thời gian, thường dùng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh, lưu thông và dịch vụ.

      -   Điều tra không thường xuyên:

      Là ghi chép, thu thập tài liệu không cần theo sát sự tiến triển của hiện tượng, tuỳ theo nhu cầu từng thời điểm mà điều tra.

      Loại này thường dùng cho các hiện tượng có chi phí điều tra lớn.

      Ví dụ: Điều tra dân số, điều tra nông nghiệp, tài sản cố định.

      Loại này thường dùng cho các hiện tượng không xảy ra thường xuyên:

      Ví dụ: Điều tra dư luận, điều tra năng suất thu hoạch của một loại cây trồng, điều tra bệnh nghề nghiệp của công nhân làm việc trong một ngành công nghiệp nào đó

      b. Nếu căn cứ vào phạm vi của đối tượng nghiên cứu chia ra:

  1. Điều tra toàn bộ: là loại điều tra mà việc thu thập tài liệu ban đầu được tiến hành trên tất cả các đơn vị thuộc đối tượng điều tra, không bỏ sót bất kỳ một đơn vị nào

Ví dụ: Điều tra toàn bộ dân số lao động, điều tra diện tích đất đai…

Ưu điểm:

- Cung cấp tài liệu ban đầu đầy đủ cho quá trình nghiên cứu thống kê, giúp ta có nhận định một cách toàn diện về tổng thể và các bộ phận cấu thành tổng thể đó.

- Tài liệu của điều tra toàn bộ là cơ sở để kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch và lập kế hoạch, có căn cứ để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội

- Điều tra toàn bộ cung cấp đầy đủ thông tin về hiện tượng nghiên cứu trên quy mô toàn bộ tổng thể.

Nhược:

Điều tra toàn bộ đòi hỏi công tác chuẩn bị chu đáo và kinh phí điều tra rất lớn

  1. Điều tra không toàn bộ:

Điều kiện sử dụng: khi tổng thể điều tra quá lớn, yêu cầu điều ra cho phép có sai số trong điều tra, khi không có đủ kinh phí để điều tra, khi ta không thể điều tra toàn bộ được

Định nghĩa: là loại điều tra mà việc thu thập tài liệu ban đầu được tiến hành trên một số đơn vị được chọn ra từ tổng số đơn vị của tổng thể nghiên cứu

Ví dụ: kiểm tra chất lượng một loại sản phẩm, hàng hoá nào đó đối tượng nghiên cứu sẽ bị phá huỷ trong quá trình điều tra ( không thể điều tra toàn bộ được)

      Ví dụ: điều tra năng suất lúa của một tỉnh nào đó, người ta không có thời gian cũng như kinh phí để điều tra hết tất cả các huyện mà chọn ra một số huyện nhất định để điều tra

      Nhược: sai số trong điều tra

      Ưu: tiến hành nhanh chóng, giúp ta có nhận định kịp thời về hiện tượng nghiên cứu

Điều tra không toàn bộ gồm có các loại sau:

- Điều tra chọn mẫu: người ta tiến hành điều tra thực tế trên một số đơn vị nhất định được chọn ra từ tổng số đơn vị của tổng thể nghiên cứu rồi dùng kết quả tính toán được để suy rộng ra đặc trưng chung của tổng thể nghiên cứu

Ví dụ: Trong 100 sinh viên, chọn ra ngẫu nhiên 20 sinh viên để điều tra

Ví dụ: Điều tra năng  suất, sản lượng lúa là điều tra chọn mẫu trong đó, người ta chọn ra một số diện tích nhất định để điều tra.

- Điều tra trọng điểm: tiến hành điều tra trên những bộ phận đơn vị chủ yếu của tổng thể nghiên cứu, bộ phận này chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thể nghiên cứu, kết quả thu thập được phản ánh tình hình cơ bản của hiện tượng nhưng không thể dùng nó để suy rộng ra những đặc trưng chung của tổng thể

Ví dụ: Điều tra tổng thể 100 sinh viên, trong đó số sinh viên trung bình chiếm 50 %, chọn 50 % đó để điều tra cách thức học tập, không thể suy ra cho các sinh viên khác.

            Trong nông nghiệp, có một số cây trồng tập trung thành vùng chuyên canh, nên có thể điều tra trọng điểm, đối với điều tra năng suất, sản lượng chè, người ta có thể tiến hành điều tra trọng điểm ở Vĩnh phúc, Hà tuyên, Bắc thái...

- Điều tra chuyên đề: là loại điều tra không toàn bộ trong đó người ta tiến hành điều tra trên một số ít đơn vị thậm chí trên một đơn vị nhưng người ta đi sâu vào nghiên cứu nhiều mặt của đơn vị đó. Loại điều tra này nhằm nghiên cứu kỹ những điển hình (tốt, xấu) để phân tích tìm hiểu nguyên nhân, rút ra các kinh nghiệm, nghiên cứu các nhân tố mới, xu hướng phát triển của hiện tượng.