GDP được coi là chỉ tiêu tốt nhất về phúc lợi kinh tế của một xã hội. GDP phản ánh cả tổng thu nhập và tổng chi tiêu của nền kinh tế để mua hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, GDP bình quân đầu người cho chúng ta biết thu nhập và chi tiêu của một người trung bình trong nền kinh tế, nên GDP bình quân đầu người có vẻ là chỉ tiêu tự nhiên về phúc lợi kinh tế trung bình của một người.
GDP sử dụng giá thị trường để đánh giá hàng hóa và dịch vụ, nên nó bỏ qua hầu hết các hoạt động xảy ra bên ngoài thị trường. Cụ thể, GDP bỏ sót giá trị của những hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại gia đình. Chẳng hạn như dịch vụ chăm sóc trẻ em ở các nhà trẻ nằm trong GDP, nhưng những hoạt động chăm sóc trẻ em được bố mẹ chúng thực hiện tại nhà thì không. Các công việc tình nguyện cũng đóng góp vào phúc lợi của xã hội, nhưng GDP không phản ánh được những đóng góp này.
GDP còn bỏ qua chất lượng môi trường. Nếu chính phủ dỡ bỏ tất cả đạo luật về môi trường. Các doanh nghiệp có thể sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà không cần bận tâm đến sự ô nhiễm mà họ gây ra và GDP có thể tăng. Tuy nhiên, phúc lợi rất có thể sẽ giảm. Sự suy thóai chất lượng không khí và nguồn nước gây ra nhiều thiệt hại hơn những ích lợi do việc sản xuất nhiều hơn mang lại.
GDP cũng không đề cập đến phân phối thu nhập. GDP bình quân đầu người cho chúng ta biết những gì xảy ra đối với một người trung bình, nhưng đằng sau sự bình quân đó có rất nhiều sự khác biệt giữa các cá nhân.
Như vậy GDP là một chỉ tiêu tốt về phúc lợi kinh tế đối với hầu hết các mục tiêu - nhưng không phải tất cả. Điều quan trọng là phải biết GDP bao gồm những gì và nó bỏ sót những gì.
Việc tính toán và đo lường GDP tuỳ theo mục đích tính mà nó có những thiếu sót nhất định. Nếu tính GDP để xác định nền kinh tế đang trong giai đoạn nào của chu kỳ kinh tế, thì những thiếu sót không đặt ra vấn đề gì quan trọng. Nhưng khi tính GDP để so sánh mức sống giữa các nước, thì đối với các nước đang phát triển thì những hoạt động “kinh tế ngầm”, các hoạt động phi thương mại cũng như những hoạt động không khai báo thường chiếm tỷ trọng lớn hơn so với các nước công nghiệp hoá. Do đó, nếu để so sánh mức sống dân cư của hai nhóm nước này mà chỉ dựa vào sự so sánh GDP của hai nhóm nước sẽ không phản ánh đúng thực chất. Nếu tính GDP để so sánh mức sống của dân cư trong nước giữa các thời kỳ khác nhau, thì những thiếu sót khi tính GDP cũng đặt ra vấn đề lớn đó nếu mức sống tuỳ thuộc vào giá trị sản lượng thì đồng thời cũng tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác như giáo dục, y tế, an ninh, điều kiện nhà ở . v. v. . Như vậy để đánh giá mức sống thì phải sử dụng một tập hợp các chỉ tiêu gồm nhiều yếu tố hơn là chỉ căn cứ vào GDP, trong đó có chỉ tiêu phúc lợi kinh tế ròng.
Trong nền kinh tế có một số loại hoạt động mà kết quả không được tính trong GDP như:
- Những hoạt động phạm pháp, như buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng quốc cấm…, đây là những hoạt động, trong thực tế đem lại những doanh thu rất lớn cho những người tổ chức, nhưng kết quả không được tính trong GDP vì đây là những hoạt động tội phạm.
- Những hoạt động không đăng ký, không khai báo nhằm mục đích trốn thuế. Các nhà kinh tế gọi đó là những hoạt động kinh tế ngầm.
- Những hoạt động phi thương mại: Đây là những công việc có ích, hợp pháp nhưng vì tự làm nên không có giá cả và không được khai báo, hạch toán vào GDP. Thí dụ rõ nhất về những hoạt động này là công việc của các bà nội trợ: làm bếp, dọn dẹp nhà của, giặt quần áo, nuôi dạy con cái. v. v. .
Nguyễn Thị Minh Hà