Khảo sát mới nhất của hãng tư vấn Gartner đã hé lộ ba yếu tố then chốt đang và sẽ tiếp tục tác động sâu rộng đến chuỗi cung ứng trong thập kỷ tới: Trí tuệ Nhân tạo (AI), các tiêu chuẩn Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) và yếu tố địa chính trị. Trong khi AI mang đến cơ hội số hóa mạnh mẽ, thì ESG và địa chính trị lại đặt ra những bài toán phức tạp cho khả năng thích ứng và phục hồi.
Khi thế giới bước vào giai đoạn chuyển đổi số và tái định hình các mô hình sản xuất – kinh doanh sau đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu ảnh hưởng từ nhiều lực kéo khác nhau.
AI: Đòn bẩy công nghệ nâng cao hiệu quả vận hành
Không còn là khái niệm viễn tưởng, AI đang thực sự làm thay đổi cách các doanh nghiệp quản lý chuỗi cung ứng. Từ khâu dự báo nhu cầu, phân tích dữ liệu lớn đến tối ưu hóa tuyến vận chuyển, AI giúp doanh nghiệp nâng cao tốc độ phản ứng và giảm thiểu sai sót do con người.
Dù vậy, một trở ngại phổ biến là sự thiếu hụt kỹ năng nội bộ để triển khai AI một cách hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào bên thứ ba hoặc chỉ sử dụng công nghệ ở cấp độ thử nghiệm (pilot). Đây là lý do vì sao các sáng kiến chuyển đổi số toàn diện cần đi kèm với chiến lược đào tạo nhân lực và đầu tư dài hạn.
ESG: Sức ép từ thị trường… buộc doanh nghiệp thay đổi
Nếu như trước đây ESG được xem là hoạt động tự nguyện, mang tính “trang trí” cho báo cáo thường niên, thì nay nó đã trở thành yếu tố bắt buộc để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo khảo sát của Gartner, 67% nhà quản lý cho rằng các quy định ESG – đặc biệt liên quan đến lượng phát thải carbon và tiêu chuẩn lao động – là một trong những yếu tố gây sức ép lớn nhất trong quản trị chuỗi cung ứng hiện đại. Các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đang đặt ra rào cản ngày càng khắt khe, buộc doanh nghiệp phải minh bạch hóa quy trình và dữ liệu ESG.
Ở Việt Nam, ESG đang được Chính phủ khuyến khích thông qua lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, xanh hóa chuỗi giá trị và cải cách quản trị doanh nghiệp. Bộ tiêu chuẩn ESG quốc gia đang được nghiên cứu nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp áp dụng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Điều này cũng mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) – vốn lâu nay bị cho là khó đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế – có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu nếu được hỗ trợ đúng cách.
-LÊ MINH VĨ-KTTC 25/03/2025