MỐI QUAN HỆ GIỮA RỦI RO VÀ TỶ SUẤT SINH LỜI
Hệ số beta phản ánh xu hướng biến động lên xuống của chứng khoán cùng với thị trường. Beta là thành phần chính của mô hình CAPM. Một chứng khoán có rủi ro trung bình được định nghĩa là chứng khoán có xu hướng lên xuống cùng bậc với thị trường. Theo định nghĩa, chứng khoán này có hệ số beta bằng 1
Ví dụ : β = 1 tức khi thị trường lên 10%, chứng khoán đó sẽ lên 10%. Một danh mục chỉ gồm các chứng khoán có beta = 1 thì sẽ lên xuống cùng với dao động trung bình của thị trường và nó chỉ rủi ro ở mức trung bình (điều này khá xa với thực tế)
Hệ số beta đo mức độ biến động của một chứng khoán so với một chứng khoán trung bình, được định nghĩa là có hệ số β = 1 và hệ số beta của chứng khoán có thể tính toán bằng cách vẽ một đường biểu diễn. Phần lớn các chứng khoán đều có beta nằm trong khoản từ 0,5 đến 1,5
Nếu một chứng khoán có β > 1 được đưa vào một danh mục có β = 1, thì hệ số beta của danh mục, cũng như rủi ro của danh mục sẽ tăng lên và ngược lại. Vì vậy, hệ số beta của một chứng khoán đo lường mức độ đóng góp vào rủi ro danh mục của chứng khoán đó, về mặt lý thuyết, beta cũng là một chỉ tiêu đo lường khá chính xác về rủi ro của chứng khoán.
Một danh mục đầu tư bao gồm các chứng khoán có hệ số beta thấp thì bản thân hệ số beta của danh mục cũng thấp, vì hệ số beta của danh mục bằng bình quân gia quyền hệ số beta của các chứng khoán trong doanh mục.
2.1. Tỷ suất sinh lợi thị trường
Có thể nói rằng tỷ suất sinh lợi của một tài sản sẽ có mối tương quan xác định với rủi ro của tài sản đó. Nghĩa là, nhà đầu tư muốn nắm giữ một tài sản rủi ro khi và chỉ khi tỷ suất sinh lợi của tài sản này bù đắp đủ phần rủi ro.
Các nhà kinh tế tài chính thường cho rằng tỷ suất sinh lợi thị trường được thể hiện :
rm = rf + phần bù rủi ro thị trường
Với rm là tỷ suất sinh lợi thị trường, rf là lãi suất phi rủi ro
Phần bù rủi ro thị trường (Market risk premium) là phần tỷ suất sinh lợi tăng thêm so với tỷ suất sinh lợi phi rủi ro mà một nhà đầu tư trung bình đòi hỏi khi nắm giữ một cổ phiếu trung bình. Nói cách khác đó là phần được thêm do nhà đầu tư phải đối diện với những rủi ro có thể xảy ra trên thị trường.
Bởi vì các nhà đầu tư lúc nào cũng mong muốn bù đắp phần rủi ro cho nên phần bù rủi ro giả định là dương. Thường thì đánh giá tốt nhất cho phần bù rủi ro trong tương lai là phần bù rủi ro trung bình trong quá khứ.
2.2. Mô hình định giá tài sản vốn (CAPM - Capital asset pricing model)
Chúng ta đã biết hệ số beta của một chứng khoán là thước đo thích hợp của rủi ro trong một danh mục đầu tư đã được đa dạng hóa. Bởi vì hầu hết các nhà đầu tư đều đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình cho nên tỷ suất sinh lợi của một chứng khoán sẽ có mối tương quan xác định với beta của chứng khoán.
Ba nhà kinh tế William Sharpe, John Lintnet và Jack Treynor đã đưa ra mối quan hệ giữa tỷ suất sinh lợi và beta bằng phương trình sau :
r = rf + β x (rm – rf)
Trong đó :
r : Tỷ suất sinh lợi đòi hỏi của một chứng khoán
rf : Tỷ suất sinh lợi phi rủi ro
rm : Tỷ suất sinh lợi thị trường
Nói cách khác : r - rf = β x (rm – rf)
Phần bù rủi ro chứng khoán = Beta x phần bù rủi ro thị trường
* Lưu ý : Ta đã biết r^ chính là tỷ suất sinh lợi kỳ vọng của cổ phiếu, nếu giá trị r^ thấp hơn tỷ suất sinh lợi đòi hỏi r của cổ phiếu thì nhà đầu tư sẽ không mua cổ phiếu này. Còn nếu giá trị r^ cao hơn r thì nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu này như một món hời. Tuy nhiên trong một số bài toán tài chính, người ta thường đồng nhất hai khái niệm trên để thuận lợi trong việc tính toán.
Công thức này được gọi là Mô hình định giá tài sản vốn (CAPM), nói lên rằng tỷ suất sinh lợi của một chứng khoán có mối quan hệ với beta chứng khoán. Bởi vì tỷ suất sinh lợi trung bình trên thị trường cao hơn lãi suất phi rủi ro tính trung bình trong một thời kỳ dài nên rm – rf xem như là dương.
Giả định rằng β = 0 => r = rf , nghĩa là tỷ suất sinh lợi chứng khoán bằng với lãi suất phi rủi ro. Vì chứng khoán có β = 0 thì coi như không có rủi ro tương ứng, tỷ suất sinh lợi của chứng khoán sẽ bằng lãi suất phi rủi ro. Tương tự giả định rằng β = 1 => r = rm , nghĩa là tỷ suất sinh lợi chứng khoán bằng với tỷ suất sinh lợi của thị trường . Có thể nói rủi ro chứng khoán biến thiên cùng chiều với thị trường.
Nguyễn Thị Tiến – Khoa Kinh tế- Tài chính